Trong phiên cuối tuần trước, phố Wall điều chỉnh trong phiên sáng khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần này và đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra vào thứ Ba. Trong khi đó, dường như giới đầu tư bỏ qua cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đồng minh trong G7, bởi đã đoán trước và đã được phản ánh vào thị trường trước đó.
Tuy nhiên, trong phiên chiều, với sự hỗ trợ của nhóm hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe, giúp phố Wall quay đầu hồi phục và đóng cửa trong sắc xanh.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 75,12 điểm (+0,30%), lên 25.316,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,66 điểm (+0,31%), lên 2.779,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 10,44 điểm (+0,14%), lên 7.645,51 điểm.
Với chuỗi phiên tăng điểm ấn tượng trong tuần qua, Dow Jones đã lấy lại đà tăng mạnh 2,77% sau khi điều chỉnh nhẹ 0,48% trong tuần trước, trong khi S&P 500 và Nasdaq có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,62% và 1,21%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dữ liệu kinh tế nghèo nàn cùng sự thận trọng chờ đợi cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng như lo ngại cuộc chiến thương mại toàn cầu khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu bán mạnh trong nửa đầu phiên cuối tuần qua. Sau đó, các chỉ số hãm đà giảm và hồi dần, trong đó chứng khoán Pháp may mắn nhất khi kịp chạm sắc xanh nhạt khi đóng cửa, còn chứng khoán Anh và Pháp giảm điểm.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 23,33 điểm (-0,30%), xuống 7.681,07 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 44,50 điểm (-0,35%), xuống 12.766,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,87 điểm (+0,03%), lên 5.450,22 điểm.
Không tích cực như phố Wall, sau 2 tuần giảm liên tiếp, trong tuần qua chỉ có chỉ số DAX của Đức là hồi phục nhẹ 0,33%, còn chỉ số FTSE tại Anh và CAC 40 tại Pháp tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 0,27% và 0,28%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thận trọng trước các cuộc họp quan trọng là G7 và cuộc họp của Fed, hay ECB, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á chọn cách đứng ngoài hoặc bán mạnh ra khiến các thị trường đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua, trong đó chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất 2 tuần.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 128,76 điểm (-0,56%), xuống 22.694,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 554,42 điểm (-1,76%), xuống 30.958,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,35 điểm (-1,36%), xuống 3.067,15 điểm.
Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Nikkei 225 và Hang Seng cũng đã hồi phục trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp với mức tăng lần lượt trong tuần qua là 2,36% và 1,53%, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 0,26%.
Giá vàng giao dịch lình xình trong phiên cuối tuần và đóng cửa ít thay đổi khi nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi các cuộc họp quan trong của các ngân hàng trung ương.
Kết thúc phiên 8/6, giá vàng giao ngay tăng 2,2 USD (+0,17%), lên 1.299,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,6 USD/ounce (-0,05%), xuống 1.298,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,4 USD (0,11%), lên 1.302,7 USD/ounce.
Không chỉ phiên cuối tuần, mà suốt tuần qua, giá vàng đều giao dịch lình xình và đóng cửa tuần cũng chỉ tăng nhẹ trở lại 0,46% và 0,25% sau khi giảm 0,62% và 0,49% tuần trước đó. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,37%.
Tuần tới thị trường sẽ hướng vào cuộc họp của Fed và ECB với dự đoán Fed sẽ tiêp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cở bán. Dù vậy, cả giới phân tích và đầu tư đều tiếp tục có cái nhình tích cực về xu hướng của giá vàng sau khi các nhà phân tích thận trong trong tuần trước.
Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời tuần này, có 10 người, chiếm 59% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn rất nhiều so với mức 14% của tuần trước. Có 4 người, tương đương 24% dự báo sẽ giá vàng sẽ giảm, thấp hơn nhiều con số 71% của tuần trước và 3 người, chiếm 18% dự báo giá sẽ đi ngang.
Tương tự, trong 830 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 505 người, chiếm 61% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn so với mức 51% của tuần trước đó; 223 lượt người, chiếm 27% dự báo giảm, thấp hơn so với mức 31% của tuần trước đó và 102 lượt người, chiếm 12% có quan điểm trung tính.
Trong khi đó, giá dầu thô quay đầu điều chỉnh khi giới đầu tư lo ngại nguồn cung của Mỹ sẽ tăng, trong khi nhu cầu của Trung Quốc lại yếu.
Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,21 USD (-0,32%), xuống 65,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,86 USD (-1,12%), xuống 76,46 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, nhưng mức giảm nhẹ hơn 2 tuần trước khi chỉ mất 0,11%, trong khi giá dầu thô Brent cũng quay đầu giảm 1,46% sau khi hồi phục 1,5% tuần trước đó.