Sau phiên hồi phục cuối tuần trước nhờ dữ liệu việc làm mạnh mẽ, phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên đầu tuần mới, thậm chí đà tăng còn mạnh hơn phiên cuối tuần qua, trong đó Dow Jones và S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng nhờ đà khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính.
Nhóm ngân hàng tăng mạnh nhất kể từ ngày 26/3 khi nhà đầu tư tự tin vào kết quả kinh doanh quý II của nhóm này sẽ bắt đầu được công bố vào thứ Sáu tới với các tên tuổi đầu tiên là JPMorgan Chase & Co, Wells Fargo & Co và Citigroup Inc.
Không chỉ nhóm ngân hàng, tài chính, nhóm cổ phiếu công nghiệp, năng lượng, tiêu dùng cũng tăng khá tốt trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Dow Jones tăng 320,11 điểm (+1,31%), lên 24.776,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,35 điểm (+0,88%), lên 2.784,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 67,81 điểm (+0,88%), lên 7.756,20 điểm.
Tương tự, lạc quan về sự hồi phục kinh tế toàn cầu giúp chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Hai, bất chấp căng thưởng thương mại Mỹ – Trung. Thậm chí, trong phiên đầu tuần mới, chứng khoán Anh có mức tăng tốt nhất trong các thị trường chính của khu vực do đồng bảng Anh trượt giá sau khi 2 bộ trưởng quan trọng trong chính phủ Anh là Bộ trưởng Brexit và Ngoại trưởng Boris Johnson đã từ chức chỉ cách nhau 24h.
Sau dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố cuối tuần qua, số liệu công bố hôm thứ Hai cũng cho thấy, xuất khẩu của Đức tăng trưởng nhiều hơn dự kiến trong tháng 5, giảm nhẹ nỗi lo ngại của nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ bị căng thẳng bởi căng thẳng thương mại.
Kết thúc phiên 9/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 70,29 điểm (+0,92%), lên 7.687,99 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 47,72 điểm (+0,38%), lên 12.543,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 22,35 điểm (+0,42%), lên 5.398,11 điểm.
Tương tự, tiếp đà hồi phục phiên cuối tuần trước sau chuỗi ngày giảm mạnh liên tiếp trước đó, chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi giới đầu tư phản ứng tích cực với dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố cuối tuần qua. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh sau khi được các nhà quản lý trấn an, cùng với việc đồng nhân dân tệ hồi phục và dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lần đầu tiên tăng trong tháng trước sau 3 tháng, kích thích lực cầu bắt đáy chảy mạnh, kéo nhóm bluechip của chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng mạnh nhất 2 năm.
Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 264,04 điểm (+1,21%), lên 22.052,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 372,88 điểm (+1,32%), lên 28.688,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 67,88 điểm (+2,47%), lên 2.815,11 điểm.
Trên thị trường vàng, lực cầu bắt đáy đã giúp giá vàng tăng vọt trong phiên đầu tuần mới trên thị trường châu Á và châu Âu, vượt qua 1.265 USD/ounce. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch Mỹ, việc đồng USD hồi phục đã khiến giá vàng hạ nhiệt nhanh và đóng cửa chỉ còn giữ được mức tăng khiêm tốn.
Kết thúc phiên 9/7, giá vàng giao ngay tăng 2,7 USD (+0,22%), lên 1.257,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 3,7 USD (+0,29%), lên 1.259,6 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent đã hồi phục trở lại sau phiên giảm cuối tuần trước, trong khi giá dầu thô Mỹ chỉ lình xình và đóng cửa với mức tăng khiêm tốn trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 9/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,05 USD (+0,07%), lên 73,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,96 USD (+1,23%), lên 78,07 USD/thùng.