Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày kết thúc vào thứ Tư (21/3), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%/năm lên 1,5 – 1,75%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên trong năm 2018 của Fed và cũng là lần tăng đầu tiên dưới thời tân Chủ tịch Jerome Powell.
Sau quyết định trên của Fed, nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như công nghiệp, bất động sản giảm giá, khiến phố Wall điều chỉnh theo. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng dù hưởng lợi và tăng tốt sau thông tin trên, nhưng về cuối phiên cũng quay đầu hạ nhiệt.
Trong khi đó, việc giá dầu thô tăng lên mức cao nhất 6 tuần giúp nhóm cổ phiếu năng lượng khởi sắc, hãm bớt đà giảm của Dow Jones và S&P 500, trong khi Nasdaq trả lại hết những gì đã có trong phiên trước.
Cổ phiếu Facebook sau 2 phiên giảm mạnh mất gần 60 tỷ USD vốn hóa sau scandal lộ thông tin người dùng, đã hồi phục nhẹ 0,74% trong phiên thứ Tư. Liên quan đến scandal này, CEO Facebook Mark Zuckerberg lần đầu tiên cũng đã lên tiếng là Facebook mắc sai lầm và sẽ tăng cường bảo đảm an toàn hơn nữa cho người dùng.
Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Dow Jones giảm 44,96 điểm (-0,18%), xuống 24.682,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,01 điểm (-0,18%), xuống 2.711,93 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,02 (-0,26%), xuống 7.345,28 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư lo lắng về cuộc chiến thương mại và thận trọng chờ đợi quyết định chính thức từ Fed.
Kết thúc phiên 21/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 22,30 điểm (-0,32%), xuống 7.038,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 1,82 điểm (+0,01%), lên 12.309,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,68 điểm (-0,24%), xuống 5.239,74 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đồng loạt quay đầu điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng liên tiếp trước đó. Hai thị trường này điều chỉnh do áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ sau scandal của Facebook.
Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 135,41 điểm (-0,43%), xuống 31.414,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,69 điểm (-0,29%), xuống 3.280,95 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường vàng, sau tuyên bố của Fed về việc tăng lãi suất, giá kim loại quý này bất ngờ tăng mạnh, đồng USD giảm trở lại. Quyết định của Fed đưa ra đúng như những gì giới phân tích và nhà đầu tư đã dự báo trước đó. Trong tuyên bố của mình, Fed cũng không cho thấy lạm phát đang là vấn đề, nên nhiều khả năng cơ quan này sẽ giữ kế hoạch tăng lãi suất 3 tuần trong năm nay, nhưng không loại trừ có đợt thứ 4. Fed cũng cho biết kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019 và 2 lần nữa trong năm 2020 để đưa lãi suất lên 3,25-3,5%/năm.
Kết thúc phiên 21/3, giá vàng giao ngay tăng 21 USD/ounce (+1,6%), lên 1.331,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 9,6 USD/ounce (+0,73%), lên 1.321,5 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục nhận thông tin tích cực để có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp lên mức cao nhất 6 tuần trong phiên thứ Tư.
Sau thông tin về khủng hoảng Trung Đông liên quan đến vấn đề hạt nhận của Iran khiến nguồn cung có thể bị gián đoạn, trong phiên thứ Tư, giá dầu thô nhận thêm thông tin hỗ trợ khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh 2,6 triệu thùng trong tuần trước, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Trong khi đó, theo dự báo của giới phân tích, kho dự trữ này phải tăng 2,5 triệu thùng.
Kết thúc phiên 21/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,63 USD (+2,50%), lên 65,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,05 USD (+2,95%), lên 69,47 USD/thùng.