Tập đoàn của Nhật đã chi ra tổng cộng 91,2 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng để thâu tóm phần lớn vốn của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn.
Trong thương vụ này, Sojitz chọn hình thức tăng tỉ lệ sở hữu tại Giấy Sài Gòn thông qua việc mua số cổ phần cũ và phát hành thêm cổ phần như một sự đầu tư cho phát triển của thương hiệu Giấy Sài Gòn. Theo thông tin từ Giấy Sài Gòn, đối tác Nhật sẽ tăng công suất và đầu tư vào sản xuất giấy vệ sinh và giấy công nghiệp
3 lần “kết hôn”
Giấy Sài Gòn được ví như một cô gái đẹp đào hoa nhưng cũng không kém phần truân chuyên dù chỉ vừa bước qua tuổi 20. Ông Cao Tiến Vị thành lập nhà máy giấy Sài Gòn vào năm 1997. Vừa tròn 14, giấy Sài gòn đã bị “gả bán” cho đối tác Nhật là Daio, thời điểm đó “M&A là con đường duy nhất để Giấy Sài Gòn có thể phát triển”, ông Cao tiến Vị từng chia sẻ ở thời điểm năm 2011, khi Giấy Sài Gòn vừa về tay Daio.
Thời điểm đó, ông Vị đã quyết định phát hành cổ phần cho đối tác ngoại vào cuối tháng 4/2011, vì ông hiểu rằng muốn Giấy Sài Gòn phát triển thì chỉ có con đường hợp tác. Theo đó, Công ty Daio Paper Corporation (Daio), một nhà sản xuất giấy lớn của Nhật, và quỹ đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản DBJ, đã nắm giữ tỉ lệ 38% cổ phần). Lúc này, Giấy Sài Gòn đang chiếm khoảng 24% thị phần giấy tiêu dùng, đứng thứ hai tại thị trường Việt Nam. Sau đó, đối tác Nhật nâng tỉ lệ sở hữu lên 42,3%, và chính thức sở hữu Giấy Sài Gòn.
Thực tế, Daio đã coi như chiếc phao để Giấy Sài Gòn bám vào. Bởi thời điểm đó, Công ty gặp phải khó khăn về tài chính, chiến lược kinh doanh. Có thể nói, câu chuyện của Giấy Sài Gòn khá thú vị vì sau đó 2 năm, Giấy Sài Gòn đã có vụ thâu tóm ngược lại đối tác Nhật vào tháng 8/2013, dưới sự giúp đỡ của ông Mai Hữu Tín, một doanh nhân đầu tư khá thành công trong mảng nông nghiệp công nghệ cao và cũng nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư đa ngành.
Công ty của ông Tín có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO) do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch. Vào tháng 9/2013, Giấy Sài gòn có cuộc “kết hôn” lần 2 với Công ty Mai và cộng sự do ông Tín làm chủ tịch. Và tháng 6 vừa qua, Giấy Sài gòn “lên xe hoa” lần thứ 3 với một đối tác Nhật là Sojitz.
Hợp tác để chống lại khắc nghiệt từ thị trường
Trước những thương vụ M&A đình đám của các nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp Việt, đã có câu hỏi đặt ra: Phải chăng đây là dấu hiệu cho chuyện người Việt Nam ngày càng không mặn mà với chuyện kinh doanh?
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết lý do để có một thương vụ M&A là rất nhiều, một trong những lý do chính là để “chống thôn tính”. Tức là những đơn vị không thể chống đỡ nổi trong môi trường cạnh tranh khốc liệt sẽ bị thâu tóm. Thông qua đó các doanh nghiệp đi thâu tóm có thể mở rộng thị trường và tận dụng những gì có sẵn.
Ở một khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp khi khởi sự đặt mục tiêu là làm doanh nghiệp để “bán” khi có mạng lưới kinh doanh nhất định, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với ban đầu. Đó là hình thức kinh doanh M&A. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp người kinh doanh không muốn kinh doanh vì gặp khó khăn về thị trường, chính sách. “Tuy nhiên, đó chỉ là một phần lý do, nhưng không cơ bản”, ông Hiếu nhận xét.
Ông Nguyễn Quang Bảo – Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoản Bản Việt thì cho rằng, lý do quan trọng để doanh nghiệp Việt bán cho nhà đầu tư nước ngoài là bởi nhu cầu về mở rộng vốn nhằm phát triển. Bởi tính khắc nghiệt và biến đổi không ngừng của thị trường, các doanh nghiệp bắt buộc phải có tiềm lực để phát triển nếu không muốn bị đè bẹp.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại khi vào Việt Nam đã nhìn ra tiềm năng của một số doanh nghiệp có thể cạnh tranh với họ trong tương lai. Do vậy, để kiểm soát, tránh rủi ro, các doanh nghiệp ngoại sẽ tham gia một phần đầu tư vào.