Giao dịch mua bán cổ phiếu của lãnh đạo và các cổ đông lớn luôn là một thông tin nhạy cảm đối với giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Do đó, những giao dịch này cần phải được công bố thông tin trước khi giao dịch theo đúng quy định.
Ngày 14/6/2018 vừa qua, UBCKNN vừa quyết định xử phạt đối với ông Võ Thanh Việt (Tp.HCM) số tiền 125 triệu đồng, về việc không đăng ký chào mua công khai cổ phiếu CTP của CTCP Cà phê Thương Phú.
“Chuyện thường tình”
Cụ thể, ngày 30/10/2017, ông Võ Thanh Việt đã mua 114.300 đồng/cp, nhằm tăng lượng sở hữu từ hơn 2,4 triêu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 24,39% vốn điều lệ, lên hơn 2,55 triệu cổ phiếu, tương đương 25,53% vốn.
Giao dịch mua vào của ông Việt đã đẩy giá cổ phiếu CTP thời gian đó, tăng từ 13.900 đồng/ cp, lên 14.800 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh).
Cùng ngày 14/6, UBCKNN cũng ra quyết định xử phạt hành chính với bà Nguyễn Thị Tuyết, người có liên quan tới ông Bùi Hồng Dũng, Phó TGĐ CTCP Vận tải xăng dầu VITACO (mã: VTO), số tiền 55 triệu đồng, về hành vi giao dịch chui cổ phiếu.
Theo đó, từ ngày 16/10/2017 đến 11/1/2018, bà Tuyết đã mua 255.690 cổ phiếu VTO nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 5/6, một cá nhân khác là ông Lữ Quốc Khánh (Tp. HCM) cũng bị UBCKNN quyết định xử phạt số tiền 125 triệu đồng cũng bởi hành vi “âm thầm” gom mua cổ phiếu.
Ông Khánh đã mua hơn 2 triệu cổ phiếu VIR của CTCP Du lịch Quốc tế Vũng Tàu, nhằm tăng số lượng sở hữu từ 0,1% vốn điều lệ lên 25,47% nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định.
Trong ngày, ông Khánh mua vào cổ phiếu VIR, cũng xuất hiện giao dịch thỏa thuận 3,66 triệu cổ phiếu VIR giá thỏa thuận bình quân 11.000 đồng/ cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 40 tỷ đồng. Trong khi đó, trên thị trường hôm đó, giá cổ phiếu VIR giao dịch quanh mức 10.000 đồng/cp.
Hàng loạt các quyết định xử phạt liên quan đến các lãnh đạo và người có liên quan đối với CTCP Inox Kim Vĩ (mã: KVC), vì hành vi liên quan đến việc không báo cáo về giao dịch quyền mua cổ phiếu KVC trong đợt công ty phát hành cổ phiếu chào bán ra công chúng năm 2016 cũng vừa được ban hành mới đây.
Các lãnh đạo bị xử phạt trong đó có cả ông Đỗ Hùng, Chủ tịch HĐQT; bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc, cùng các cổ đông là người có liên quan đến bà Hạnh; bà Đỗ Thị Thu Trang, thành viên HĐQT và ông Nguyễn Tăng Minh Đức, thành viên Ban kiểm soát.
Số tiền mà các vị lãnh đạo này bị phạt là 55 triệu đồng. Ngoài ra, phạt tiền 10 triệu đồng đối với mỗi cá nhân, bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Ban kiểm soát, ông Võ Đình Phú, chồng bà Nguyễn Thị Kim Chi và Đỗ Thị Thu Trang – thành Viên HĐQT.
Ai chịu thiệt thòi?
Không chỉ lãnh đạo và người có liên quan bị phạt, mới đây, UBCKNN cũng xử phạt chính công ty Inox Kim Vĩ tổng số tiền là 270 triệu đồng gồm nhiều nguyên nhân.
Một trong những nguyên nhân là liên quan đến đợt phát hành năm 2016 công ty đã giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi có văn bản xác nhận kết quả chào bán của UBCKNN.
Từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu KVC đã giảm gần 30%, từ mức 2.700 đồng/cp về 1.900 đồng/cp, cũng như giảm 55% so với mức “đỉnh” trong năm 2017 đến nay là 4.200 đồng/cp (giá chốt phiên 8/8/2017).
Diễn biến của cổ phiếu này cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải “giật mình”, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại ngày 14/4/2015, KVC ghi nhận mức giá 20.800 đồng/cp.
Rất nhanh sau đó, cổ phiếu này đã leo lên mức giá hơn 37.000 đồng/cp, và cũng lao dốc rất nhanh về mệnh giá (10.000 đồng/cp) và hiện chỉ còn giao dịch với mức giá thấp hơn giá “trà đá”.
Tương tự, cổ phiếu CTP hiện chỉ còn giao dịch quanh mốc 5.400 đồng/cp, đã giảm 50% so với hồi cuối năm 2017.
Trên thị trường chứng khoán, bất cứ một giao dịch lớn nào của lãnh đạo, cổ đông lớn, hay người nhà lãnh đạo cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Do đó, với các vi phạm về giao dịch cổ phiếu, chưa biết ai là người được, ai là người mất, nhưng trước mắt có thể thấy là nhà đầu tư nhỏ lẻ là các đối tượng thường phải “vã mồ hôi” chạy theo những biến động khôn lường của giá cổ phiếu.
Đối tượng bị ảnh hưởng tiếp theo phải kể đến các công ty chứng khoán cấp margin cho các cổ phiếu này và đôi khi là chính bản thân doanh nghiệp, bởi giá cổ phiếu thường lao dốc không phanh sau đó.
Câu chuyện, vi phạm rồi nộp phạt, rồi tiếp tục vi phạm, vẫn diễn ra thường xuyên trên thị trường chứng khoán. Những khoản xử phạt vài chục triệu đồng cho một lần vi phạm là con số quá ít ỏi đối với những cổ đông lớn vi phạm.
Tuy nhiên, hệ lụy của những vi phạm này là khôn lường, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán – một thị trường được xây dựng trên niềm tin và kỳ vọng.
Đây là không phải là câu chuyện mới, nhưng trong quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, các cơ quan chức năng vẫn chưa có hình thức xử phạt nào mang đủ tính răn đe, ngăn chặn.