Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính) nhận định: Xu hướng lạm phát tăng trong 6 tháng qua đang thách thức mục tiêu lạm phát bình quân 4% của năm nay. Theo đó, ngăn chặn nguy cơ “sốt giá”; điều chỉnh giá dịch vụ công hài hòa; kiểm soát tốt chi tiêu ngân sách và tiếp tục thực hiện theo mục tiêu đã đề ra trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) là những khuyến nghị chính được chuyên gia này đưa ra để kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.
Ông nhận định thế nào về diễn biến lạm phát 6 tháng vừa qua?
Mức lạm phát bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017 mà Tổng cục Thống kê vừa đưa ra (đáng chú ý trong đó riêng tháng 6/2018 CPI tăng tới 0,61% so với tháng trước và là mức tăng CPI tháng 6 cao nhất trong 7 năm qua) đang thách thức mục tiêu lạm phát bình quân 4% của năm nay. Diễn biến này theo tôi, do các nguyên nhân chính như giá thế giới của một số hàng hóa (đặc biệt là giá dầu) tăng; Giá gas, giá lương thực thực phẩm (nhất là thịt lợn) cũng tăng khá cao; trong khi ăn uống ngoài gia đình trong các dịp lễ tết vừa qua cũng như vào mùa du lịch hay thời tiết nắng nóng hiện nay cũng đẩy giá tăng…
Từ nay đến cuối năm, còn các áp lực khác như điều chỉnh một số giá hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý; tăng lương từ 1/7; áp lực giải ngân lớn cho các dự án đầu tư công phải hoàn thành; những tác động của mùa mưa bão và thời tiết bất ổn, hay xu hướng giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến khó lường… Đó sẽ là những yếu tố khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% thực sự là khó khăn.
Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát bình quân năm nay có thể ở mức 4,2%, trong đó đã tính đến những yếu tố tác động trong – ngoài như đề cập ở trên.
Thực tế 6 tháng qua lạm phát tăng, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ổn định. Theo ông, hiệu quả điều hành CSTT trong thực hiện mục tiêu đề ra?
Tôi cho rằng điều hành CSTT 6 tháng đầu năm là tốt, kể cả về tín dụng, tỷ giá, lãi suất, qua đó đã giúp đảm bảo ổn định cho nền kinh tế vĩ mô. Do đó tôi cho rằng, điều hành CSTT thời gian tới vẫn nên theo mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, cố gắng giữ tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tăng trưởng tín dụng ở mức17% và hướng dòng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Tôi cho rằng, mục tiêu này vẫn phù hợp với tăng trưởng kinh tế như mục tiêu chúng ta đề ra. Đồng thời việc hướng dòng tín dụng vào SXKD thực, hạn chế vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản cũng sẽ tránh gây áp lực cho lạm phát không những của năm nay mà còn năm sau.
Vậy để cố gắng giữ được mục tiêu lạm phát bình quân quanh ngưỡng 4% thì về mặt chính sách vĩ mô cần các giải pháp gì? Như liên quan đến câu chuyện mà ông vừa nói về tăng giá các dịch vụ công?
Có nhiều việc cần phải làm nhưng theo tôi có bốn vấn đề chính cần tập trung. Trong đó, từ nay đến cuối năm dự báo vẫn còn nhiều bất ổn, có thể do các yếu tố bên ngoài, có thể do thiên tai hay những điều kiện nào đó khác bên trong. Vì vậy về cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống, như điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm… phải luôn được theo dõi sát và đảm bảo cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt giá”. Bên cạnh đó, cần phải kiên quyết thực thi các biện pháp kiểm soát chi tiêu đầu tư công, chi tiêu thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Đi cùng với đó là kiểm soát tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra cũng như hướng dòng tín dụng vào SXKD.
Một giải pháp quan trọng khác là cần thực sự thực hiện giãn, lùi việc điều chỉnh giá các hàng hóa dịch vụ mà Nhà nước quản lý vào những thời điểm thích hợp, trong đó quan trọng nhất là không nên dồn cục điều chỉnh cùng một lúc. Nếu cùng lúc mà mấy mặt hàng đều điều chỉnh thì sẽ gây tác động lan tỏa đến các mặt hàng khác. Đi liền với đó cần các biện pháp kiểm soát giá đối với những mặt hàng có những biến động bất thường để tránh tình trạng mặt bằng giá chung bị đẩy lên.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện các biện pháp giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí lưu thông, đặc biệt liên quan đến các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh, các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn lực với chi phí thấp nhất. Như vậy ở đây cần sự chung tay của cả các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong việc phấn đấu để giữ được lạm phát.
Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, theo ông có “cơ” nào để nền kinh tế vẫn tăng trưởng cao trong năm nay, như có thể đạt mức 7% theo một số dự báo gần đây?
Nếu nhìn từ kết quả 6 tháng vừa qua, tôi cho rằng dù 6 tháng cuối năm chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có những điều kiện thuận lợi để có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn mà không cần phải đánh đổi tăng trưởng với bất cứ giá nào, như phải chấp nhận lạm phát quá cao.
Xin cảm ơn ông!