Bộ Tài chính vừa có công văn xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân về mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, trong đó đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ Tài chính việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng; đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Đặc biệt việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng có hiệu ứng tích cực. Nguyên nhân do việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Có thể thấy việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là hoàn toàn hợp lý bởi mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã được duy trì trong hơn 6 năm qua và đã “lỗi thời” so với mặt bằng giá cả hiện nay. Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi (Luật số 26/2012/QH12 chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013) cũng quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với mức độ biến động của giá cả cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Ngoài chỉ số CPI đã tăng quá 20% theo quy định thì lương cơ sở cũng đã tăng gần 30% kể từ năm 2013 đến nay, từ mức 1,15 triệu đồng/tháng tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng và theo dự kiến sẽ được tăng tiếp lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1/7 tới.
Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng mạnh trong thời gian này. Chẳng hạn chỉ tính giai đoạn 2013-2018 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng tới 42% từ mức mức 41,1 triệu đồng (1.960 USD) lên 58,5 triệu đồng (2.587 USD). Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về GDP bình quân đầu người năm 2019, nhưng chắc chắn còn cao hơn so với năm 2018 khi mà tăng trưởng kinh tế đạt tới 7,02%. Thu nhập tăng lên dẫn đến số thuế nộp cũng tăng lên, trong khi ngưỡng nộp thuế không thay đổi khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn.
Tất cả những con số trên cho thấy việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề là mức điều chỉnh như trên đã hợp lý và đủ sức thuyết phục hay chưa?
Đầu tiên có thể thấy, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc chỉ tăng khoảng 22,2% so với mức hiện hành, tức vẫn chưa theo kịp với tốc độ tăng của lạm phát trong giai đoạn từ 1/7/2013 đến cuối năm 2019 chứ chưa nói gì tới thời điểm mà chính sách này được thông qua và áp dụng trong thực tế, lạm phát còn tăng cao hơn nhiều. Nó lại càng không theo kịp với tốc độ tăng lương cơ sở cũng như thu nhập bình quân đầu người. Điều đó cho thấy, chính sách chưa ban hành đã có nguy cơ “lỗi thời”.
Thứ hai, bất kỳ một chính sách nào cũng đòi hỏi phải có sự ổn định lâu dài, chứ không thể vừa ban hành xong đã sửa, chính sách thuế cũng vậy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng và 4,4, triệu đồng này (nếu được thông qua) có thể sẽ được áp dụng trong khoảng thời gian lâu sau nữa, có ít nhất là 5-6 năm tới, hoặc cho đến khi CPI biến động trên 20% như Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định. Điều đó khiến cho chính sách càng “tụt” lại xa hơn so với thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cố định và cào bằng như hiện nay là chưa phù hợp, nhất là trong bối cảnh chênh lệch mức sống và giá cả giữa các khu vực nông thôn, miền núi với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng… là rất lớn. Vì thế mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất có thể là cao so với khu vực nông thôn, miền núi; song chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân tại các đô thị lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Thiết nghĩ để chính sách phù hợp hơn, sát hơn với thực tế và có “tuổi thọ” lâu hơn, cơ quan soạn thảo cần phải tính tới tất cả những yếu tố này, nếu không chính sách sẽ vẫn “lẽo đẽo” chạy theo sau cuộc sống.
Xuân Hải