Hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào bất động sản
NHNN vừa có Văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Mặc dù tín dụng bất động sản vẫn ở mức an toàn, nhưng để hạn chế rủi ro nợ xấu và tránh tình trạng “bong bóng tín dụng bất động sản” lặp lại, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cần thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, so với các lĩnh vực khác, tín dụng vào lĩnh vực rủi ro chiếm tỷ lệ không cao. Dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cho vay khoảng 8,5%. Nhưng để hạn chế rủi ro, NHNN vẫn chủ động yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ. Ngay cả tín dụng tiêu dùng và cho vay đầu tư chứng khoán cũng được lưu ý để hạn chế rủi ro.
Những năm trước, tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản thường gấp 1,5 – 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Nhưng năm 2017, khi tăng trưởng tín dụng chung ngành ngân hàng đạt khoảng 19%, thì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chưa bằng một nửa. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn dưới mức an toàn là 8 – 10%.
Năm 2018, NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN, ưu tiên sản xuất, kinh doanh.
Rà soát lại cho vay tiêu dùng
Ngay từ đầu năm 2018, NHNN cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện cung tín dụng đúng chỉ đạo của NHNN, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng… Đồng thời, lưu ý các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt lĩnh vực cho vay tiêu dùng thông qua việc giám sát chặt chẽ sử dụng vốn vay tiêu dùng, nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Thực tế, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng rất mạnh, trong khi tín dụng bất động sản tăng chậm. Nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng bất động sản đang “ẩn” nấp trong tín dụng tiêu dùng.
Số liệu của Ủy ban cho thấy, đến cuối năm 2017, tín dụng rót vào bất động sản chỉ chiếm 5,9% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, giảm mạnh so với mức hơn 8% năm 2016. Tuy nhiên, Ủy ban cho biết, tín dụng tiêu dùng năm 2017 lại tăng rất mạnh, cao gấp 3 – 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước. Đặc biệt, tín dụng mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và hiện chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, với nhiều người tại Việt Nam, sở hữu một căn nhà luôn là một mục tiêu quan trọng trong cuộc đời và vay mua nhà là giải pháp giúp những bạn trẻ hoàn thành mục tiêu này. Người mua hiện tại có thể đăng ký khoản vay mua nhà lên đến 70% giá trị căn nhà với thời hạn vay lên đến 25 năm. Tuy nhiên, với khả năng chi trả 30% giá trị căn nhà không có nghĩa là khách hàng có thể đăng ký được khoản vay mua nhà tại các ngân hàng.
Ngân hàng thông thường sẽ xem xét liệu các khách hàng tiềm năng có khả năng thanh toán khoản vay dài hạn, ngay cả thông qua những thời điểm lãi suất biến động. Chính vì vậy, thay vì lên kế hoạch cho việc chi trả 30% giá trị căn nhà đơn thuần, những người có dự tính mua nhà cần xác định một bức tranh toàn cảnh và cân nhắc nhiều yếu tố hơn. Theo ông Sabbir Ahmed, họ phải biết chính xác trách nhiệm tài chính của mình, các khoản chi tiêu trong gia đình, mức độ tín nhiệm dựa vào lịch sử tín dụng, sự ổn định công việc và khả năng thu nhập trong tương lai.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cũng cho rằng, NHNN cần có các biện pháp giám sát dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Lý do TS. Thành đưa ra là tổng dư nợ cho vay bất động sản ở mức khoảng 8% trên tổng tín dụng, nhưng cho vay tiêu dùng thực chất phần lớn là vào bất động sản, nếu cộng cả con số đó vào thì phải trên 10%.