Động thái cần thiết
Cuối giờ chiều ngày 16-3-2020, NHNN thông báo giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% xuống 4,75%; trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%, ngược lại lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tăng từ 0,8% lên 1%.
Ngoài lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, đây là lần giảm thứ hai liên tiếp trong vòng một năm qua của các loại lãi suất trên. Trước đó, vào giữa tháng 9-2019, NHNN cũng đã giảm 0,25 điểm phần trăm các lãi suất điều hành, đến giữa tháng 11 giảm 0,5 điểm phần trăm trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Khả năng giảm lãi suất điều hành đã được dự báo ngay từ đầu năm nay.
Điều đáng lưu ý là mức giảm lãi suất điều hành ngày 16-3-2020 là khá lớn, nằm ngoài dự đoán của nhiều người, đơn cử như lãi suất tái cấp vốn giảm đến 1 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên toàn cầu đang thực hiện nới lỏng tiền tệ, bằng cách vừa tung ra các gói kích thích kinh tế vừa giảm mạnh lãi suất, động thái của NHNN như trên là cần thiết.
Đơn cử như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sau khi bất ngờ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản về mức 1-1,25% vào ngày 3-3-2020, mà không cần chờ tới cuộc họp chính thức ngày 17 và 18-3, hôm Chủ nhật cuối tuần rồi, ngày 15-3, Fed một lần nữa làm rúng động thị trường khi giảm mạnh lãi suất thêm 1 điểm phần trăm, chính thức về mốc 0-0,25%, thấp nhất kể từ tháng 10-2015 đến nay.
Nguyên nhân chính được Fed đưa ra không ngoài mẫu số chung là do lo ngại tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Không chịu kém cạnh, NHTƯ Trung Quốc đã quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 16-3, với mức giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm cho những ngân hàng đủ điều kiện.
Việt Nam mới đây tuy đã triển khai gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, xấp xỉ hơn 25% mục tiêu dư nợ tăng mới trong năm nay, nhưng có lẽ điều đó vẫn chưa đủ.
Một động thái giảm lãi suất điều hành được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tâm lý hơn nữa, khi chính sách này có thể giúp các ngân hàng có thêm kênh tiếp cận vốn rẻ, như lời đại diện NHNN cho rằng việc giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua hàng loạt ngân hàng thương mại đã giảm mạnh lãi suất huy động đầu vào trên thị trường dân cư – tổ chức kinh tế (thị trường 1). Lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) cũng thường xuyên duy trì ở mức thấp, do đó chênh lệch giữa các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 lẫn thị trường 2 là quá lớn.
Do đó, quyết định giảm mạnh lãi suất điều hành như mới đây được xem là phù hợp để cân đối và thu hẹp mức chênh lệch mặt bằng lãi suất giữa các thị trường.
Kích thích vòng quay đồng tiền
Quan sát thị trường có thể thấy rằng vòng quay tiền trong nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát đến nay. Cầu tiêu dùng suy yếu, người dân thắt chặt chi tiêu, thoát ra khỏi các kênh đầu tư tài sản và tập trung gửi tiền vào ngân hàng như một kênh an toàn nhất.
Một dữ liệu cần chú ý là dù tháng 2 vừa qua, tháng đầu năm và rơi vào kỳ nghỉ Tết, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 lại giảm 0,17% so với tháng trước, một diễn biến đi ngược so với thông lệ những năm trước đây.
Về cơ bản, khi tiền trong nền kinh tế dồi dào, thể hiện qua tổng phương tiện thanh toán ước tăng 0,9% so đầu năm và tăng 13,8% so cùng kỳ, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa đến mức NHNN phải liên tiếp hút tiền về, thì giá hàng hóa sẽ tăng, nhưng trên thực tế giá nhiều loại hàng hóa có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Điều này cũng gợi ý khả năng vòng quay tiền đang giảm mạnh, nhất là khi thu nhập của một bộ phận người dân đứng trước nguy cơ sụt giảm nên càng làm suy giảm sức cầu, dẫn tới lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trì trệ, hàng tồn kho tăng cao, hệ quả là có thể đẩy nền kinh tế lâm vào suy thoái.
Thống kê cho thấy tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm nay chỉ đạt 863.900 tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong khi hai tháng đầu năm 2019 tăng 12,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì hai tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,4%, thấp hơn rất nhiều mức tăng đến 9,3% của cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, thời gian tới, khi số doanh nghiệp phá sản ngày càng cao, tình trạng nợ nần giữa doanh nghiệp với ngân hàng cũng như giữa doanh nghiệp với nhau có nguy cơ tăng vọt, có thể khiến vòng quay của tiền thêm chậm lại khi mọi bên giờ đây nhìn nhau với ánh mắt e ngại và dè chừng.
Thực tế cho thấy vòng quay vốn chậm lại còn có nguyên nhân do lòng tin suy giảm, bao gồm lòng tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng về triển vọng kinh tế và lòng tin giữa các đối tác, bạn hàng với nhau, khiến doanh nghiệp không dám mở rộng quy mô, thậm chí thu hẹp lại, các phương thức thanh toán gối đầu bị hạn chế.
Trong khi đó, do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt quãng, nhiều doanh nghiệp hiện nay không những không vay vốn mà còn có xu hướng giữ tiền ở ngân hàng. Hệ quả là ngân hàng rơi vào tình trạng thừa thanh khoản, khi huy động tăng mạnh nhưng cho vay tăng quá chậm.
Thống kê cho thấy tính đến thời điểm 20-2-2020, huy động vốn tăng 14,2% so với cùng kỳ, tức tăng gần 1,1% so với đầu năm, trong khi tổng dư nợ cho vay ước tăng 12,8% so với cùng kỳ và giảm 0,18% so với đầu năm. Còn số liệu cập nhật gần nhất đến cuối tháng 2 tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức khiêm tốn 0,06%.
Trước thực trạng trên, việc NHNN giảm mạnh lãi suất điều hành như vừa qua có thể tạo hiệu ứng tác động giúp mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 giảm thêm. Vì trong bối cảnh thừa thanh khoản, nay lại có thêm kênh tiếp cận vốn rẻ từ NHNN, các ngân hàng thương mại có thêm động lực giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí đầu vào, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, cũng như tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Một khi mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm xuống ở mức không còn hấp dẫn, dòng tiền gửi ngân hàng có thể được rút ra để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh khác mang lại suất sinh lời tốt hơn, đẩy dòng vốn chu chuyển trong nền kinh tế hiệu quả hơn.
Cộng thêm việc lãi suất cho vay nếu giảm về mức thấp, hoặc được hỗ trợ, có thể thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực vay vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những tắc nghẽn cũng như ngăn ngừa nguy cơ thiếu hụt hàng hóa trong tương lai, mà có thể gây áp lực lên lạm phát trong giai đoạn tới.
Thụy Lê