Không huy động vốn USD
Một trong những mục tiêu của Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay USD để chậm nhất đến năm 2030, cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Đề án Hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thời gian gần đây, tốc độ huy động và cho vay ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã giảm đi rất nhiều. Nếu năm 1992, có tới 41% lượng tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, thì những năm sau, tỷ giá ổn định, con số này là 20 – 32%.
Đáng chú ý, kể từ khi áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0% vào năm 2015, tỷ lệ này tiếp tục giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% cuối năm 2017. Ngoại tệ dư thừa trên thị trường tạo điều kiện cho NHNN mua vào một lượng lớn, bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước đến nay (64 tỷ USD tính đến giữa năm 2018).
TP.HCM là địa bàn có lượng vốn huy động và cho vay chiếm khoảng 30% cả nước. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 7/2018, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 2,15 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, huy động ngoại tệ chiếm 10,7%, tương ứng khoảng 230.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1,8% so với cuối năm 2017. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng khoảng 1,93 triệu tỷ đồng (tăng 9,47% so với cùng kỳ), trong đó cho vay ngoại tệ chiếm 9,1%, tương ứng 175.630 tỷ đồng, tăng 10,37% so với cuối năm 2017.
Theo NHNN, về cơ bản, chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như đầu tư gián tiếp (FII), đầu tư trực tiếp (FDI) và kiều hối.
Sẽ dừng cho vay ngoại tệ
Trong bối cảnh thị trường ngoại tệ diễn biến bất ổn, Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN của NHNN về triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành trong 6 tháng cuối năm 2018 kiên định mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong lãnh thổ. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tại trụ sở chính NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá phù hợp với diễn biến cung cầu của thị trường, cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Thực tế, từ cuối tháng 5/2018 tới nay, trước các biến động trên thế giới xuất phát từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiền đồng mất giá theo xu hướng chung, tỷ giá tăng lên 23.350 đồng/USD.
NHNN đã thực hiện các biện pháp như bán ngoại tệ (khoảng 2 tỷ USD), hút tiền đồng, tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/8, lãnh đạo NHNN khẳng định, diễn biến tỷ giá thời gian qua là “phù hợp diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới, khu vực” và “trong tầm kiểm soát của NHNN”.
Hiện lãi suất cho vay bằng ngoại tệ dao động khoảng 2,8-6,0%/năm, thấp hơn 3,2-5% so với lãi suất cho vay VND (6-11%/năm). Chính lãi suất hấp dẫn đã thu hút nhiều doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ. Khả năng cầu vốn USD sẽ tăng lên với các biến động của tỷ giá thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc cho vay vẫn được hạn chế bằng Thông tư 18/2017/TT-NHNN.
Ông Andreas Hauskrecht, giáo sư tại Trường đại học Indiana Mỹ, thành viên Nhóm sáng kiến Việt Nam cho rằng, để chống tình trạng đô la hóa, cần đảm bảo nguyên tắc trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng VND như các quốc gia khác trên thế giới vẫn sử dụng đồng nội tệ của họ. Vì vậy, trước mắt, cần kiên quyết không trả lãi cho người gửi tiết kiệm USD và hướng đến ngưng huy động cũng như dừng cho vay ngoại tệ.
Chuyên gia tài chính – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lộ trình giảm tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ khá phù hợp. Khi ngân hàng còn cho vay ngoại tệ thì sẽ vẫn huy động. Tuy nhiên, việc nhận gửi USD nhằm khuyến khích nguồn kiều hối gửi về nước. Khi ngưng cho vay ngoại tệ, ngân hàng có thể giảm huy động USD, nhưng không đến mức phải ngưng hoặc thu phí người gửi USD.