Sau 1 ngày nghỉ lễ quốc khánh, phố Wall giao dịch trở lại và nhanh chóng nhận được nhiều món quà.
Đầu tiên nỗi lo về cuộc chiến thương mại giữa 2 bờ Đại Tây Dương có khả năng được tháo ngòi nổ.
Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, EU sẽ giảm thuế đối với hàng nhập khẩu ô tô của Mỹ.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Reuters, đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell đã đề cập đến các nhà điều hành của Đức rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể từ bỏ mức thuế đe dọa đối với ô tô nhập khẩu châu Âu nếu đổi lại EU giảm thuế với ô tô nhập từ Mỹ.
Tiếp đến, theo văn bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, các nhà hoạch định chính sách của Fed tin tưởng vào đà tăng vững chắc của nền kinh tế Mỹ. Dĩ nhiên, đi cùng với sự lạc quan về triển vọng kinh tế là các kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm khu vực tư nhân của Mỹ (ADP) vừa công bố cho thấy, trong tháng 6 chỉ có 177.000 việc làm tăng thêm, thấp hơn mức 185.000 việc làm như dự báo. Báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu với dự báo có thêm 195.000 việc làm được tạo thêm trong tháng 6.
Dù nỗi lo phía bên “bờ Tây” đã tạm lắng, nhưng giới đầu tư vẫn còn những lo lắng cho bên “bờ Đông” khi thuế quan của Mỹ áp đặt cho hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD sẽ có hiệu lực từ 0 giờ ngày 6/7, tức là ngày thứ Sáu này. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ phản ứng ngay lập tức với giá trị hàng nhập khẩu tương đương của Mỹ.
Hiện chưa thấy có tiến triển nào trong việc đàm phán giữa 2 bên, thậm chí là không có cuộc đàm phán nào được tiến hành, nên Trung – Mỹ các cách bờ vực chiến tranh thương mại chỉ mấy tiếng nữa.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Dow Jones tăng 181,92 điểm (+0,75%), lên 24.356,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,39 điểm (+0,86%), lên 2.736,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 83,75 điểm (+1,12%), lên 7.586,43 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt hồi phục mạnh trong phiên thứ Năm, nhất là chứng khoán Đức khi nhà đầu tư lạc quan về triển vọng quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,13 điểm (+0,40%), lên 7.603,22 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 146,68 điểm (+1,19%), lên 12.464,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 45,83 điểm (+0,86%), lên 5.366,32 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại chiến tranh thương mại đang cận kề, các thị trường chính trong khu vực đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Năm. Trong đó, sự lo âu được thể hiện nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khi thanh khoản thị trường sụt giảm một nửa so với mức trung bình trong những phiên gần đây.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 170,05 điểm (-0,78%), xuống 21.546,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 59,58 điểm (-0,21%), xuống 28.182,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,24 điểm (-0,91%), xuống 2.733,88 điểm.
Trên thị trường vàng, sau 2 phiên tăng mạnh, giá vàng đã hạ nhiệt trở lại trong phiên thứ Năm, dù đồng USD tiếp tục giảm sau báo cáo việc làm ADP. Biên bản cuộc họp của Fed được công bố không có tác động nhiều tới giá kim loại quý. Giá vàng hạ nhiệt khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sắp nổ ra.
Kết thúc phiên 5/7, giá vàng giao ngay giảm 0,3 USD (-0,02%), xuống 1.256,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,7 USD (+0,06%), lên 1.258,8 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường dầu, giá dầu thô tiếp giảm do áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư sau khi đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, một nhà phân tích của UBS dự báo, giá dầu thô Brent có thể chạm mốc 110 USD/thùng trong thời gian ngắn do thiếu hụt nguồn cung.
Kết thúc phiên 5/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,20 USD (-1,65%), xuống 72,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,37 USD (-0,48%), xuống 77,39 USD/thùng.