Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với hơn 30 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với tổng giá trị nhập khẩu trên 22 tỷ USD. Sau đó là thị trường ASEAN với 15,8 tỷ USD. Tiếp đến là Nhật Bản đạt 8,9 tỷ USD, Đài Loan và EU là 6,4 tỷ USD…
Dù nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ xếp vị trí thứ 6 với 5,8 tỷ USD, song đồng tiền thanh toán quốc tế mà các DN chủ yếu dùng là USD.
Nỗi lo USD tăng giá
So với đầu năm, chỉ số USD trên thị trường thế giới có biến động tăng 3%, đã có tác động mạnh khiến nhiều đồng tiền của các nước khác trên thế giới giảm giá.
Chẳng hạn, đồng Bath của Thái Lan giảm 3%, Rupiah của Indonesia giảm 7%, Peso của Philippines giảm 7,3%, Rupee của Ấn Độ giảm 8%, Won của Hàn Quốc giảm 5,6%, đặc biệt là Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 3,2% và VND của Việt Nam đang bị mất giá 2% so với đồng USD.
Theo các chuyên gia, tỷ giá sẽ tăng áp lực vào những tháng cuối năm vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản của đồng USD và chiến tranh thương mại trên thế giới chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng.
Vì vậy, các DN xuất, nhập khẩu cần quan tâm hơn đến các rủi ro về tỷ giá bằng cách đa dạng hóa các loại tiền tệ để thanh toán, thay vì chỉ có USD.
Một chuyên gia phân tích: Hiện nay, trong hoạt động nhập khẩu của DN Việt Nam hầu hết đang sử dụng đồng USD, nhưng trên thực tế, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm hàng hoá từ Mỹ chỉ đứng thứ 6, còn lại chủ yếu là từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan, EU…
“Nếu chúng ta đưa đồng tiền của những nước này vào thanh toán thì lượng ngoại tệ thanh toán hàng nhập khẩu không dùng USD có thể lên tới 93% tổng kim ngạch. Như vậy, kể cả khi USD có biến động, DN sẽ không còn phải lo lắng về rủi ro trước áp lực tỷ giá USD/VND”, một chuyên gia cho hay.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa các tiền tệ thanh toán sẽ có lợi cho DN vì sẽ tiết kiệm được những chi phí trung gian khi dòng tiền phải đi qua nhiều ngân hàng.
Ví dụ, một DN nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản chỉ cần mở tài khoản ở một ngân hàng Việt Nam và một ngân hàng ở Nhật Bản, sau đó mua số tiền Yên tương đương với khoản nợ cần thanh toán và yêu cầu ngân hàng ở Việt Nam chuyển trực tiếp vào tài khoản của nhà xuất khẩu thông qua ngân hàng ở Nhật Bản. Như vậy, số tiền không phải đi qua nhiều khâu trung gian và giảm bớt được các chi phí cho DN nhập khẩu.
DN Việt khó chủ động?
Theo các DN nhập khẩu, việc thay đổi được thói quen trong thanh toán quốc tế bằng USD, không phải chuyện một sớm một chiều, bởi DN không chỉ muốn là thay đổi được mà còn phụ thuộc nhiều vào đối tác cung ứng hàng hóa.
Hiện nay, có hơn 80% các thanh toán, giao dịch quốc tế trên thế giới vẫn lựa chọn USD. Chẳng hạn, tại Singapore, thị trường ngoại hối lớn ở khu vực Đông Nam Á, USD chiếm tới 70% số giao dịch giao ngay được thực hiện.
Hay tại Đức, nhiều DN nhập khẩu phải thanh toán bằng đồng USD và không chấp nhận thanh toán bằng đồng Euro, mặc dù đây là đồng tiền thanh toán chung của các tổ chức kinh tế EU.
Đại diện một nhà nhập khẩu ô tô từ Đức cho rằng ngay cả việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô để bán cho người sử dụng khi cần bảo hành, thay thế, dù các sản phẩm này được chuyển từ Trung Quốc vì có nhà máy đặt ở đây, thì phía đối tác vẫn yêu cầu DN thanh toán bằng USD.
Theo DN này, trong giao dịch xuất nhập khẩu, đối tác thường lựa chọn ngoại tệ mạnh, được nhiều quốc gia sử dụng cho dự trữ ngoại hối để làm phương tiện thanh toán, vì vậy USD vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam chiếm tỷ trọng 28,9% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, do Trung Quốc vẫn lựa chọn dự trữ ngoại hối chủ yếu bằng đồng USD, nên nhiều DN Trung Quốc vẫn áp dụng phương thức thanh toán bằng USD.
Một DN nhập khẩu điện tử và linh kiện từ Trung Quốc cho biết, ngoại trừ xuất nhập hàng tiểu ngạch qua Trung Quốc có thể giao dịch bằng đồng USD hoặc Nhân dân tệ tùy theo điều kiện và thỏa thuận thanh toán của hai bên, còn những giao dịch chính ngạch thì các đơn vị đối tác Trung Quốc vẫn yêu cầu thanh toán bằng USD.
Theo các chuyên gia, trước mắt để giảm thiểu trước những biến động của tỷ giá, DN nên phối hợp với ngân hàng để sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đặc biệt là các công cụ phái sinh mà một số DN xuất, nhập khẩu đã dùng.