Mặc dù tuyển chọn được hai sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở một trường Đại học danh tiếng vào vị trí cán bộ phụ trách kỹ thuật, nhưng theo ông Nguyễn Đăng Trình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Denken Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), để sử dụng được, công ty đã phải mất hơn một năm gửi họ đi đào tạo về chuyên môn với kinh phí đầu tư khoảng 10.000 USD/người.
Bài toán nan giải
“Điều đáng nói, chỉ một sinh viên sau đó đạt yêu cầu trở thành cán bộ kỹ thuật về sản xuất tủ điện điều khiển tự động”, ông Trình chia sẻ.
Không chỉ là câu chuyện của Cty Denken, bài toán nhân lực cũng khá nan giải với một doanh nghiệp có ngành nghề đặc thù như Canon. “Các trường Đại học, dạy nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa cập nhập chuyên ngành in, sản xuất đáp ứng yêu cầu của công ty, các kỹ sư công ty tuyển dụng mới chỉ đáp ứng được kiến thức căn bản. Để có thể biết việc, làm được thì công ty mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm đào tạo kiến thức chuyên ngành với chi phí rất cao”, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc – Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ.
Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với nhãn hiệu CLS – Cloud Learning System (Hương Việt Group) tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI, sẽ diễn ra vào hồi 14h ngày 5/4/2018 tại Hội trường 1, Tầng 7 tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.
“Không chỉ là vấn đề chi phí đào tạo, một chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc còn chia sẻ, không ít lần do thiếu nhân lực, công ty đã bị chậm đơn hàng so với tiến độ. “Ban giám đốc công ty đã phải họp bàn với Tổng công ty ở Hàn Quốc về phương án dừng việc đầu tư ở nhà máy hiện tại và chuyển sang đầu từ tại các tỉnh khác nếu tình trạng không tuyển được lao động vẫn diễn ra…”, vị này cho biết thêm.
Chi phí tăng vọt
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây đã chỉ ra, 69% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho biết đang “vấp” phải khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Theo đó, doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Điều này dẫn tới doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới. Báo cáo ghi nhận chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017.
“Thậm chí, các doanh nghiệp được cho là thành công trong công tác phát triển nguồn nhân lực phải chi đến 8% doanh thu cho đào tạo nhân sự”, bà Angeline Teo – Giám đốc Công ty Tư vấn nguồn nhân lực dOz International (Singapore) cho biết.
Gia tăng đào tạo nội bộ
Theo các chuyên gia, trước thời điểm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực mà Việt Nam được coi là “miền đất hứa”, chất lượng nhân sự như hiện nay là đáng lo ngại.
Thống kê của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao trong năm 2017 tăng trưởng 28% so với năm 2016. Hãng nghiên cứu này đánh giá, thị trường lao động tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu nhân sự cấp cao trong việc phát triển sản phẩm, thiết kế kỹ thuật, quy hoạch… Với những vị trí cấp cao trong mảng bất động sản, các doanh nghiệp phải tuyển dụng ứng viên nước ngoài, chủ yếu đến từ Singapore. Thậm chí, có những ngành hàng trả mức lương lên tới 10.000 USD/tháng nhưng vẫn khan hiếm nhân sự…
Do đó, bà Nguyễn Thị Nhàn – Giám đốc dự án CLS – Cloud Learning System nhận định, để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bài toán nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi, đưa ra giải pháp cải thiện chứ không nên chờ đợi từ thị trường một cách bị động như trước.
Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng lao động ngay từ khâu giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo nội bộ từ chính doanh nghiệp. Bởi chất lượng lao động thấp không chỉ làm giảm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam mà còn làm cho thu nhập của người lao động không cao.