Cuối ngày 18-6, giá bán USD tại các ngân hàng đứng ở mức khá cao. Sacombank và Eximbank niêm yết giá bán USD ở mức 22.880 đồng/USD.
Tại Vietcombank, giá bán USD ở mức 22.865 đồng/USD, còn Vietinbank niêm yết giá bán USD ở mức 22.878 đồng/USD.
So với trước thời điểm FED tăng lãi suất, giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 40 đồng/USD. Giá mua USD tiền mặt cũng tăng tương ứng, hiện dao động ở mức 22.790-22.808 đồng/USD.
Giữ VND lợi hơn
Tại thị trường tự do, giá bán USD từng tăng lên đến 23.100 đồng/USD vào ngày 17-6. Tuy nhiên đến cuối ngày 18-6 đã giảm nhẹ, còn 23.060 đồng/USD. So với khoảng 3 tuần trước, giá bán USD tại thị trường tự do đã tăng khoảng 170 đồng/USD.
Đáng lưu ý từ đầu năm 2018 đến nay tỉ giá đã trải qua 3 đợt tăng, có lúc giá bán USD tại ngân hàng chạm mức 22.900 đồng/USD.
Diễn biến trên khiến nhiều người có tiền tiết kiệm băn khoăn. Anh Hữu Toàn (Q.3, TP.HCM) cho biết anh tiết kiệm được một số tiền, chưa đủ để đầu tư bất động sản. Thị trường chứng khoán gần đây biến động mạnh nên anh chủ yếu gửi tiết kiệm VND. Lãi suất ở mức trên 6%/năm.
“Thời gian gần đây giá USD biến động khá mạnh. Trong thời gian tới FED còn tăng lãi suất 2 lần nữa trong năm 2018 và 3 lần trong năm 2019. Do vậy tôi khá băn khoăn không biết giữ VND hay USD lợi hơn?” – anh Toàn nói.
Còn chị Ngọc Bích (quận 2) cho biết những năm qua chị giữ VND vì lãi suất cao, tỉ giá ổn định, trong khi gửi USD ngân hàng không trả lãi suất. Nhưng chị băn khoăn liệu với việc đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất của FED có làm cho người giữ VND bị thiệt?
Việc FED đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trước đó đã được giới chuyên gia dự báo là sẽ khiến đồng USD trên thế giới tăng giá mạnh và điều này sẽ mang đến áp lực nhiều hơn cho tỉ giá trong nước.
Thừa nhận việc FED đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất có thể khiến tỉ giá trong nước nhích lên nhưng chuyên gia Ngô Xuân Hải cho rằng người gửi tiền nên cân nhắc trên nhiều yếu tố.
Lãi suất USD hiện đang ở mức 0%. Trong khi đó lãi suất VND dao động từ 6-7%/năm. Do vậy người giữ ngoại tệ chỉ còn có thể trông vào biến động tỉ giá nhưng những năm gần đây tỉ giá chỉ tăng 1-2%, không đủ bù đắp chênh lệch lãi suất nên tính ra giữ USD vẫn không có lợi bằng VND.
Không có căng thẳng về ngoại tệ
Ông Ngô Xuân Hải cho rằng tỉ giá tăng nhưng cung cầu ngoại tệ trên thị trường không có dấu hiệu căng thẳng, ngược lại thanh khoản rất tốt. Dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục hơn 63 tỉ USD, 5 tháng đầu năm Việt Nam vẫn xuất siêu, do vậy không có gì đáng ngại.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy dù giá USD tăng nhưng nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào.
Tỉ trọng tiền gửi USD trong tổng huy động tại TP.HCM – Đồ họa: T.ĐẠT
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cũng cho biết các ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp.
Theo ông Minh, nguồn ngoại tệ dồi dào từ các doanh nghiệp xuất khẩu, du lịch và kiều hối đã hỗ trợ rất nhiều cho cân đối cung cầu ngoại tệ của TP.HCM.
Thêm vào đó, một trong những yếu tố hỗ trợ tỉ giá là hiện nay nhu cầu giữ USD của người dân đã giảm hẳn và doanh nghiệp đã chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ.
Huy động vốn bằng ngoại tệ quy ra VND tính đến cuối tháng 5 ở mức 240.000 tỉ đồng, chiếm 11% trong tổng vốn huy động trên địa bàn, trong khi những năm trước chiếm trên 12%.
Về cho vay, dư nợ cho vay ngoại tệ quy ra VND hiện chỉ còn 172.000 tỉ đồng, chiếm 9% dư nợ ở TP.HCM. Trong khi đó ở những thời điểm thị trường sốt nóng từ 2008-2012, huy động và cho vay vốn bằng ngoại tệ luôn chiếm từ 20-22%.
“Việc chuyển từ quan hệ vay mượn sang mua bán có hiệu quả bước đầu cũng giảm bớt sức ép lên tỉ giá. Diễn biến tăng giảm của tỉ giá chỉ là theo xu thế thị trường chứ không xuất hiện tình trạng căng thẳng, biểu hiện ở chỗ không có tình trạng găm giữ mà ngân hàng vẫn mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp.
Ngược lại, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp cũng đều được đáp ứng, chênh lệch giá USD trong – ngoài cũng không quá cao, chỉ khoảng 180 đồng/USD. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến tỉ giá để có điều hành kịp thời” – ông Minh cho biết.
Doanh nghiệp nhập khẩu lo bị ảnh hưởng
Theo ông Nguyễn Thanh Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần tôn Đông Á, việc giá USD bất ngờ dần tăng cao sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh sức mua tại thị trường nội địa không cao như hiện nay.
Là doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu lớn phục vụ sản xuất các sản phẩm tôn mạ các loại, trung bình mỗi tháng tôn Đông Á chi gần 20 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu.
Do cũng có sản phẩm xuất khẩu, ông Trung cho biết vẫn cân đối được nguồn ngoại tệ.
“Nhưng với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng bán trong nước, chúng tôi phải trả bằng VND, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các lô hàng nhập mới sắp tới. Còn việc có điều chỉnh giá bán trong thời gian tới hay không thì chúng tôi phải xem xét rất kỹ lưỡng” – ông Trung thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Como chuyên sản xuất trong lĩnh vực dệt may, lo lắng: “Là công ty nhỏ, hoạt động nhập khẩu chiếm đến 60% so với 40% xuất khẩu, nên việc giá USD tăng sẽ là thách thức lớn với công ty trong thời gian tới”.