Vừa qua, Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan) đã có kế hoạch đầu tư nhà máy, mở rộng sản xuất giầy tại KCN Tân Tạo, TP.HCM, dù trước đó tập đoàn này đã vận hành một tổ hợp sản xuất lớn với số lượng công nhân lên đến hơn 90.000 người. Đây là hãng sản xuất giày thể thao hàng đầu thế giới, chuyên gia công các loại giày thể thao cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Asic…
Trước đó, đại diện của hãng Adidas cũng cho biết về kế hoạch dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã soán ngôi Trung Quốc, trở thành nơi sản xuất giày lớn nhất của thương hiệu này, và chiếm đến hơn 40% lượng hàng xuất đi các nước trên thế giới. Tương tự, Nike, Puma… đã thực hiện kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc từ trước đó khá sớm để tránh những rủi ro khi bất ổn thương mại Mỹ – Trung nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục kéo dài.
Xu thế này cũng đã được giới chuyên gia dự báo từ khá sớm. Theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ đẩy nhiều nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc với dòng vốn của họ ra khỏi thị trường này để chuyển sang các quốc gia lân cận. Trong khi đó, Việt Nam với nhiều yếu tố hấp dẫn về môi trường đầu tư, địa lý, hẳn nhiên sẽ trở thành điểm đến đầy hấp dẫn.
Hãng tin Bloomberg mới đây cũng nói rằng, khu vực Đông Nam Á đang đón một làn sóng đơn đặt hàng mới và hoạt động dịch chuyển sản xuất, khi các công ty đánh giá lại kế hoạch kinh doanh ở Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng và ngày một rõ nét. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, có nhiều lý do khiến ngành da giày Việt Nam đón thêm các “ông lớn” đến đặt hàng và lập nhà máy mở rộng sản xuất. Hơn nữa, dù chi phí nhân công của Việt Nam tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, nên cơ hội để các thương hiệu mạnh quan tâm tới thị trường Việt vẫn còn nhiều.
Ngoài ra, các hãng giày của thế giới đều kỳ vọng vào việc gia tăng xuất khẩu do Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam xuất khẩu gần 11,8 tỷ USD giày dép trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 10,5% so với năm ngoái.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Bích Lâm, có điểm không thuận lợi là những dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, những dự án có quy mô nhỏ sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc. Chúng ta phải làm sao để ngăn chặn điều này. Hiện nay quy mô dự án FDI vào Việt Nam có quy mô ngày càng nhỏ, nhiều dự án vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD. Vì vậy “thời gian tới cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI”, ông Lâm khuyến nghị.
Rủi ro thứ 2, theo ông Lâm, Việt Nam là nước đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, thứ 5 về quy mô thương mại với Hoa Kỳ. Với chiều hướng và chính sách gia tăng bảo hộ của Mỹ hiện nay, rủi ro lớn nhất với Việt Nam là Mỹ sẽ đưa ra các rào cản về thuế, về kỹ thuật đối với các nước đang có thặng dư thương mại với Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại… có thể là đối tượng bị nhắm đến.
Một điều đáng lo ngại khác mà chuyên gia cảnh báo chính là không ít sản phẩm như quần áo, giày dép, túi xách, sắt thép… đang có nguy cơ bị “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu sang các quốc gia khác trên thế giới. Trong đó, nhiều trường hợp DN của Trung Quốc đã vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy để sản xuất, gia công xuất hàng đi những thị trường, đối tác quen thuộc của họ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của những DN trong nước. Đây là hoạt động “né” xuất xứ hòng tránh bị mức thuế cao.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những nguy cơ và thách thức trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ còn tác động đến không ít lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác nhau của Việt Nam.
Có những ngành, những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến này, song cũng có những ngành, những lĩnh vực gặp khó. Đơn cử như các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước có thể phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ hàng hóa của Trung Quốc tràn vào. Vì vậy, chúng ta cần sớm có những biện pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung cũng như của một số nước lớn sẽ tạo động lực mạnh hơn trong triển khai liên kết kinh tế, đầu tư đa phương, đẩy mạnh hợp tác, đa phương hóa trong tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam. Trong nhiều phiên họp gần đây, Chính phủ cũng đang kêu gọi đẩy mạnh mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, để tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.