TLG: Tăng tồn kho, chủ động nguồn nguyên liệu
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bút bi, văn phòng phẩm, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) cho biết, chi phí nguyên liệu là một trong những yếu tố tác động lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và giá dầu là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến giá nguyên vật liệu.
Năm 2017, nhóm sản phẩm bút viết vẫn là dòng sản phẩm chủ lực của TLG, đóng góp khoảng 42% trong cơ cấu doanh thu; tiếp đến, văn phòng phẩm đóng góp 30% doanh thu; sản phẩm dụng cụ mỹ thuật và sản phẩm bên ngoài đóng góp phần doanh thu còn lại. Nhằm giảm tác động của giá nguyên liệu tăng, một trong những biện pháp mà TLG thực hiện là chủ động dự trữ nguyên vật liệu.
Theo ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc TLG, Công ty dự trữ nguyên vật liệu đủ cung cấp cho sản xuất trong 6 tháng đến 1 năm và chuẩn bị thành phẩm cho mùa vụ cao điểm.
Đó là lý do trong nửa đầu năm 2018, tồn kho của Công ty mẹ – TLG tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, tồn kho nguyên vật liệu chiếm hơn 53% và tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu tăng ít nhiều cũng khiến biên lợi nhuận của Công ty bị ảnh hưởng, bởi việc đẩy phần tăng chi phí này cho người tiêu dùng thông qua tăng giá bán sản phẩm không phải chuyện dễ dàng.
Để chủ động nguồn nguyên liệu nhằm hạn chế tác động từ sự biến động giá nguyên liệu, phù hợp với chủ trương xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, TLG đã tiến hành đầu tư dây chuyền sản xuất đầu bút giai đoạn từ nay đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư 88 tỷ đồng. Theo đó, dự án này khi đưa vào vận hành có thể giúp TLG nâng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu lên 70%.
Hiện nay, lượng đầu bút phục vụ cho sản xuất bút bi chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Do đó, chủ động nguồn nguyên liệu không chỉ giảm thiểu tác động bởi diễn biến giá dầu, mà việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu còn giúp TLG giảm ảnh hưởng bởi biến động của tỷ giá. Thực tế, trong thời gian qua, USD có diễn biến mạnh lên và tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng.
CSM: Tăng mua nguyên liệu khi giá thấp
Chịu tác động của giá dầu không thể không nhắc đến các doanh nghiệp trong nhóm ngành cao su, săm lốp. Bên cạnh cao su tự nhiên, dầu là nguyên liệu trực tiếp để sản xuất ra cao su tổng hợp, các nguyên liệu như than đen, vải mành – nguyên phụ liệu để sản xuất săm lốp.
Năm 2018 vẫn được dự báo là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp nhóm này khi mà chi phí nguyên liệu tiếp tục tăng, trong khi thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là săm lốp Trung Quốc.
Theo Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (CSM), hầu hết nguyên liệu bao gồm cao su tổng hợp và các nguyên liệu gốc dầu đều phải nhập khẩu với tỷ trọng lớn, hàng nguyên liệu nhập khẩu chiếm khoảng 50% cơ cấu nguyên liệu.
Nhằm hạn chế rủi ro biến động giá nguyên vật liệu, một trong những biện pháp mà CSM thực hiện trong thời gian qua là dự trữ tồn kho ở mức giá thấp khi dự báo giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng và ở mức cao trong năm nay.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 tổ chức vào tháng 4, lãnh đạo CSM chia sẻ, Công ty chủ động tồn kho cao su tổng hợp và các nguyên phụ liệu với giá thấp hơn thị trường, trong khi giá cao su thiên nhiên tương đương với thị trường.
Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng, cứ 2 – 3 tháng, Công ty lại tiến hành nhập khẩu một lần để giảm mặt bằng giá vốn nguyên liệu.
DRC: Xây dựng mạng lưới các nhà cung cấp ổn định
Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, rủi ro về nguyên vật liệu đầu vào khi mà giá dầu thô biến động khó lường ảnh hưởng đến giá cao su tổng hợp, cao su thiên nhiên và than đen là rủi ro lớn đối với hoạt động của Công ty.
Nguồn nguyên liệu này chiếm gần 50% tỷ trọng cấu thành sản phẩm. DRC quản trị rủi ro biến động giá nguyên liệu bằng cách thiết lập danh sách các nhà cung cấp uy tín và có mối quan hệ hợp tác lâu dài nhằm đàm phán được mức giá hợp lý nhất, cũng như có nguồn cung cấp nguyên vật liệu ổn định.
Bên cạnh rủi ro giá dầu tăng là tỷ giá tăng, khi mà ngành công nghiệp hóa chất và hóa dầu trong nước chưa thực sự phát triển, nên DRC phải nhập khẩu phần lớn một số loại hóa chất và chất phụ gia khác trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng thấp hơn so với tỷ lệ nội địa.
SBV: Mua vật tư theo dự báo nhu cầu sản xuất
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ngư cụ, Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam (SBV) cũng bị tác động đáng kể bởi diễn biến tăng của giá dầu.
SBV cho hay, nguyên liệu là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành sản phẩm của Công ty, trong đó nguyên vật liệu chính trong quá trình sản xuất là hạt nhựa PP và hạt nhựa PE. Hạt nhựa PP được mua từ trong nước và hạt nhựa PE được nhập khẩu.
Từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa tái sinh khiến nhu cầu hạt nhựa tại nước này tăng thêm khoảng 3 triệu tấn/năm. Tồn kho hạt nhựa tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang ở mức thấp trong nhiều năm qua.
Giá C2, C3 là nguyên liệu sản xuất hạt nhựa PP, PE thời gian qua tăng mạnh theo diễn biến tăng của giá dầu và tồn kho tại thị trường Việt Nam sụt giảm. Giá các mặt hàng hạt nhựa PP, PE tại Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, nên nhiều nhà cung cấp nội địa đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo SBV, trong đợt tăng giá vào cuối năm 2017, các nhà cung cấp nội địa đã bán hết nguồn hàng giá rẻ, có thể dẫn đến sự khan hiếm cục bộ về nguyên liệu hạt nhựa trong thời gian tới.
Hiện tại, giá hạt nhựa PP, PE tại Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
SBV xác định, rủi ro giá nguyên vật liệu là không thể tránh khỏi và để hạn chế rủi ro này, Công ty đã tìm kiếm và thiết lập quan hệ kinh doanh với các nhà cung cấp uy tín, hoạt động kinh doanh ổn định.
Vẫn theo SBV, do giá hạt nhựa không có xu hướng bám sát diễn biến của giá dầu thô nên Công ty sẽ không chủ động dự trữ theo dự báo diễn biến giá dầu.
Thay vào đó, SBV mua vật tư theo dự báo nhu cầu sản xuất trong tương lai. Khi giá nguyên vật liệu có biến động lớn, Công ty sẽ xem xét, nghiên cứu lại chính sách giá bán cho phù hợp.
“Tuy nhiên, việc tăng giá bán sẽ được cân nhắc kỹ, nếu giá thành sản phẩm tăng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động bán hàng, đến khả năng cạnh tranh của Công ty”, đại diện SBV nói.
Nhiều hãng hàng không: Mua hợp đồng phái sinh giá dầu
Trong số những lĩnh vực bị ảnh hưởng theo chiều bất lợi bởi giá dầu tăng, không thể không nhắc đến nhóm vận tải, bao gồm vận tải hàng hóa lẫn hành khách.
Mới đây, Vietnam Airlines có thông báo về việc điều chỉnh giá vé máy bay với lý do chi phí nguyên liệu tăng mạnh. Nhiều hãng hàng không trong nước khác như Vietjet Air hay Jetstar Pacific đề nghị được tăng giá cước dịch vụ.
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu tiếp tục có diễn biến tăng từ đầu năm đến nay.
Tuy chi phí nguyên liệu tăng, nhưng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2018 của nhiều hãng hàng không cho thấy, chỉ tiêu lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, một trong những biện pháp được hầu hết hãng hàng không thực hiện nhằm giảm tác động do giá dầu tăng là mua hợp đồng phái sinh giá dầu.
Tuy nhiên, việc đề nghị được điều chỉnh giá cước đang cho thấy, quản trị rủi ro giá dầu vẫn gặp khó khăn, hoặc doanh nghiệp muốn bảo toàn mức biên lợi nhuận nên đẩy một phần chi phí nguyên liệu tăng về phía người tiêu dùng.
Theo giới phân tích, biến động bất lợi của giá nguyên nhiên liệu và tỷ giá USD/VND sẽ thu hẹp khả năng sinh lời của các hãng hàng không. Ngoài lĩnh vực vận tải, hoạt động logistics cũng nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng.