Kết thúc phiên giao dịch thứ Tư ngày 11/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 33 USD, tức giảm 1,94%, xuống ở mức 1.672 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 30 USD, tức giảm 1,77%, xuống ở mức 1.662 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ lên ở mức trung bình. Cấu trúc giá đảo vẫn được duy trì khoảng cách ở kỳ hạn gần.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 2,75 cent, tức giảm 2,4% xuống ở mức 112,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 2,7 cent, tức giảm 2,28% xuống ở mức 115,6 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 12/7 giảm 600 – 700 đồng/kg, xuống dao động trong khung 34.500 – 35.200 đồng/kg, hay 34,5 – 35,2 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.567 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London .
Cho dù đà tăng trở lại vẫn được đánh giá là chưa lấy gì làm chắc chắn trước việc đầu cơ điều chỉnh dòng vốn tìm kiếm kênh đầu tư sinh lợi nhiều hơn, trong khi áp lực vụ mùa mới từ quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu vẫn còn nguyên. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đã có chút khởi sắc sau cơn hoảng loạn “trade war” giữa Mỹ – Trung với gói thuế bổ sung trị giá 34 tỷ USD lên hàng hóa của nhau vào cuối tuần trước.
Tuy nhiên, đến phiên hôm qua dường như mọi chuyện đã tồi tệ trở lại khi Tổng thống Mỹ D.Trump đưa ra kế hoạch áp thuế thêm trị giá 200 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hầu hết các thị trường phủ một màu đỏ rực khi các Quỹ đầu tư (Exchange Traded Fund – ETF) đồng loạt điều chỉnh để bảo toàn dòng vốn của mình trong mối lo sự “phản pháo” của Bắc Kinh.
USD tăng vọt, đồng Euro và Nhân dân tệ chùng lại… trong khi D.Trump yêu cầu các thành viên NATO tăng thêm ngân sách quân sự trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) vẫn còn “rối như canh hẹ” kết hợp với hầu hết các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ mạnh cũng sụt giảm đã góp phần làm cho giá cả trên hầu hết các thị trường hàng hóa sụt giảm, đặc biệt là thúc đẩy lực bán gia tăng từ các nước sản xuất nông sản khi đồng nội tệ yếu hơn.
Giá cà phê thế giới suy thoái trở lại còn do lượng bán ròng trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn hiện đang ở mức kỷ lục – báo cáo ghi nhận tại London hiện bán ròng xấp xỉ 5,94 triệu bao và tại New York xấp xỉ 20,73 triệu bao.
Dữ liệu sơ bộ tháng 6 của Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng đạt 156.258 tấn (tương đương 2.604.300 bao), tăng 4,3% so với tháng trước, nâng khối lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay lên 1.039.488 tấn (tương đương 17.324. 800 bao), tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tính trong 9 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại, từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, Việt Nam đã xuất khẩu đạt tổng cộng 1.382.978 tấn (tương đương 23,05 triệu bao, bao 60 kg) là một con số cao đáng kể và cho thấy lượng tồn kho trong nước hiện không còn dồi dào. Trong khi đó, thị trường đã xuất hiện suy đoán lượng tồn kho gối vụ của Việt Nam sẽ cạn kiệt và do đó, xuất khẩu cà phê trong các tháng gối vụ sẽ ở mức rất thấp.
Theo các nhà quan sát, thị trường cà phê thế giới sẽ sớm hồi phục do mặt hàng này ít liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.