Cụ thể, theo thống kê của Bloomberg, chỉ số giá cả hàng hóa toàn cầu ghi nhận 3 tháng tăng điểm là tháng 1, tháng 4 và tháng 5; giảm điểm trong tháng 2, tháng 3 và tháng 6. Những biến động trên thị trường hàng hóa ngoài chịu tác động từ các yếu tố cung cầu còn chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi những diễn biến địa chính trị cũng như các biến động trên các thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu. Kết thúc tháng 6, chỉ số giá cả hàng hóa chung chốt ở mức 179,95 điểm, tăng nhẹ 0,14% so với cuối năm ngoái.
Giá các nhóm hàng chủ chốt có sự biến động khác nhau. Nhu cầu đang tiếp tục gia tăng đã khiến giá nhiều mặt hàng nông nghiệp thô đạt được mức tăng mạnh trong nửa đầu năm, như ngô đạt mức tăng 21,52%, lúa mì tăng 22,75%, bông tăng 16,05% và cacao tăng 29,25% so với cuối năm trước. Ngược lại, giá nhiều mặt hàng kim loại sản xuất lại có chiều hướng đi xuống khi sản xuất toàn cầu đang có chiều hướng chững lại, cụ thể như đồng giảm 7,26%, kẽm giảm 6,34% so với cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, giá dầu mỏ vẫn duy trì xu thế tăng và mức độ có phần mạnh mẽ hơn trong 2 tháng trở lại đây. Đà gia tăng của giá dầu tiếp tục được hỗ trợ từ những yếu tố nguồn cung như việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm lượng dầu mỏ trong khối OPEC, căng thẳng chính trị gia tăng tại khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh…
Tuy nhiên, song song với xu thế tăng điểm, thị trường dầu mỏ cũng chứng kiến nhiều phiên điều chỉnh giảm khi đón nhận những tin tức kém tích cực như gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, OPEC dự định nâng sản lượng khai thác, sự gia tăng lượng dầu đá phiến tại Mỹ…
Kết thúc tháng 6, giá dầu WTI ở mức 74,15 USD/thùng, tăng 11,07% so với cuối năm trước; giá dầu Brent ở mức 79,44 USD/thùng, tăng 15,59% so với cuối năm trước. Đây đều là những mức giá vượt ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế trong thời gian trước đây.
Triển vọng cuối năm 2018, giá cả hàng hóa toàn cầu sẽ tiếp tục biến động do sự tác động của nhiều nhân tố. Trên thị trường nông sản, giá cả các mặt hàng này sẽ chịu nhiều tác động từ các cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang phát động.
Theo đó, Mỹ đang gây hấn thương mại với nhiều đối tác quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tiếp tục leo thang khi Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ từ ngày 6/7. Trung Quốc cũng đã có động thái trả đũa bằng thuế quan tương đương nhằm vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Mỹ như đậu nành, lúa mì, bông vải…
Mexico và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp thuế trả đũa với hàng loạt nông sản Mỹ sau khi bị nước này áp thuế thép và thuế nhôm. Trong khi đó, các kế hoạch xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc cũng đã bị gác lại để tránh bị mức thuế 25% mà Trung Quốc sẽ đáp trả ngay sau khi Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc.
Nhiều sản phẩm nông sản Mỹ đứng trước nguy cơ bị tổn hại nặng nề trong một cuộc chiến thương mại có thể làm thay đổi các dòng chảy hàng hóa nông nghiệp từ thịt heo cho đến cotton, ngũ cốc trên toàn cầu.
Những lo ngại tương tự cũng đang được đặt ra đối với các mặt hàng kim loại quý và kim loại sản xuất. Việc Mỹ áp thuế nhôm và thép lên một loạt các đối tác đến từ Trung Quốc, EU, Mexico, Nhật Bản… đang đe dọa ảnh hưởng đến diễn biến các nguồn cung cầu kim loại trên toàn cầu và từ đó tác động trực tiếp đến biến động giá cả các loại hàng hóa trên.
Trong khi đó, trên thị trường năng lượng, giá dầu thô theo nhiều dự báo sẽ vẫn giữ được xu thế tăng. Theo một báo cáo mới công bố của World Bank (WB) hồi đầu quý II, giá cả hàng hóa trong ngành năng lượng, bao gồm dầu, khí và than, được dự đoán sẽ tăng 20% trong năm 2018. Dự báo này cao hơn so với mức dự báo được tổ chức này đưa ra trong báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa công bố cách đây nửa năm.
Bank of America (BoA) cũng đã đưa ra dự báo giá dầu trung bình trong năm 2018 đạt 70 USD/thùng. Trong nửa đầu năm 2019, giá dầu trung bình có thể đạt 90 USD và tăng lên tới 100 USD, tùy thuộc vào các sự kiện địa chính trị.
Theo các nhà phân tích của BoA, nguồn cung và nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ được thắt chặt hơn nhờ sản lượng dầu của Venezuela ngày càng sụt giảm và khả năng Iran giảm sản lượng dầu xuất khẩu. Còn theo WB, nhu cầu dầu mạnh mẽ và sự tuân thủ cắt giảm sản lượng của các thành viên thuộc tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các nước sản xuất khác đã giúp hạn chế nguồn cung hơn.