Gemadept đã chốt danh sách và cuối tháng 3 này là thời điểm để Công ty trả cổ tức cho cổ đông. Với tỉ lệ chi trả cổ tức 80%, Công ty đứng vào nhóm các công ty niêm yết hào phóng nhất trên thị trường chứng khoán.
Mạnh tay tái cấu trúc
Tuy nhiên, trong phần cổ tức vượt trội này, đã bao gồm cổ tức đặc biệt (tỉ lệ 65%). Đây là phần cổ tức mà Gemadept chia thêm cho cổ đông sau khi thoái vốn tại 2 công ty con. Dự kiến, tổng số tiền mà Gemadebt phải chi ra cho lần trả cổ tức này là khoảng 2.300 tỉ đồng – một số tiền rất lớn so với nguồn lãi ròng chưa tới 600 tỉ đồng/năm của Gemadept những năm qua. Nhưng Gemadept vẫn rộng tay, vì Công ty vừa có nguồn thu lớn từ CJ Group chuyển trả.
CJ Group là đơn vị đã mua 51% cổ phần tại Công ty CJ – Gemadept Logistics Holdings và 49% vốn tại Công ty CJ – Gemadept Shipping Holdings từ tay Gemadept. Sau các giao dịch, 2 công ty con của Gemadept đã có thêm chủ mới. Trong quá khứ, CJ từng nhận chuyển nhượng cổ phần từ tay Gemadept. Chẳng hạn, CJ đã mua nốt 15% cổ phần của Gemadept ở CJ Việt Nam – đơn vị sở hữu tòa nhà Gemadept Tower. Trước đó, chính CJ cũng đã mua 85% cổ phần tại Gemadept Tower.
Những khoản chuyển nhượng này đã giúp ích cho bức tranh kinh doanh của Gemadept triển vọng hơn. Điển hình năm 2013, bằng việc bán 85% cổ phần tại Gemadept Tower, Gemadept thu về 45 triệu USD, tương đương 936 tỉ đồng. Hay với việc chuyển nhượng 15% cổ phần tại CJ Việt Nam, Gemadept đã ghi thêm vào lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng. Riêng khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng 51% cổ phần ở Cảng Hoa Sen – Gemadept cũng giúp Công ty có thêm nguồn lãi 100 tỉ đồng trong năm 2017. Bây giờ, sau khi đã hoàn tất bán bớt cổ phần ở 2 công ty con, theo thông tin từ Gemadept, Công ty ghi nhận lãi đột biến hơn 1.200 tỉ đồng từ chuyển nhượng vốn đầu tư, cho riêng 2 tháng đầu năm 2018.
Thực tế, trong kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp trình Đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Gemadept sẽ thoái bớt vốn ở 6 công ty.
Đến nay, Công ty đã thực hiện xong chuyển nhượng ở 4 đơn vị. Chỉ còn lại 2 dự án, ở mảng cao su và dự án Cảng Cái Mép Terminal Link (Gemalink) là Gemadept đang tìm đối tác. Theo dự tính, Gemadept có thể sẽ chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư tại cao su. Còn với dự án Gemalink, Gemadept chỉ bán 25% cổ phần và sẽ ưu tiên chuyển nhượng cho các hãng tàu để bổ sung nguồn hàng cho Gemalink.
Tính toán của Gemadept
Tại Đại hội cổ đông năm ngoái, ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Gemadept cho biết, Công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng ở các khoản thoái vốn. Chẳng hạn, dự án Gemadept Tower thuộc lĩnh vực bất động sản, nằm ngoài ngành cốt lõi của Gemadept nên Công ty quyết định rút lui.
Còn ở dự án Cảng Hoa Sen – Gemadept, Công ty nhận thấy đầu tư vào đây không hấp dẫn bằng việc dồn trọng tâm vào dự án cảng nước sâu Gemalink. Cả hai cảng này tuy đều nằm ở Vũng Tàu nhưng nếu cảng Hoa Sen – Gemadept chỉ quy mô nhỏ và đối tác mua lại sẽ chuyển đổi công năng, thì cảng Gemalink nhiều tiềm năng hơn, khi ở ngay khu vực Thị Vải – Cái Mép, với năng lực đón nhận 2,8 triệu tấn TEUs/năm. Cảng này lại có khả năng cùng lúc đón 3 tàu sức chở 20.000 TEUs và đang có một số khách hàng như CMA, APL chuyên chở hàng hóa qua đây.
Đối với khoản rút vốn tại 2 công ty con, Gemadept không thoái vốn toàn bộ. Hiện tại, Gemadept vẫn còn là công ty mẹ ở CJ – Gemadept Shipping Holdings và vẫn giữ 49% ở CJ – Gemadept Logistics Holdings. Cần lưu ý là Gemadept chỉ mới lập ra 2 công ty con này vào tháng 7 năm ngoái, với mục đích tập trung vào vận tải (trừ vận tải biển) (Gemadept Shipping Holdings) và đẩy mạnh mảng tiếp vận (Gemadept Logistics Holdings). Ở 2 mảng này, theo chia sẻ từ phía lãnh đạo Gemadept, muốn phát triển mạnh thêm, Gemadept cần sự hợp lực từ đối tác ngoại.
Gemadept chấp nhận giảm doanh thu, lợi nhuận khi không hợp nhất kết quả kinh doanh của Gemadept Logistics Holdings vào trong báo cáo tài chính. Mảng này, vào thời điểm cuối năm 2016 từng chiếm 56,5% doanh thu thuần. Nhưng theo tính toán của Gemadept, Công ty sẽ đẩy mạnh mảng khai thác cảng để bù đắp cho phần suy giảm.
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) từng đánh giá đây là chiến lược đúng đắn. Bởi biên lợi nhuận bình quân của mảng logistics giai đoạn năm 2011-2017 chỉ khoảng 11%, thấp hơn rất nhiều so với con số biên lợi nhuận gộp của mảng khai thác cảng (bình quân 38%)Gemadept lại có nhiều lợi thế trong lĩnh vực cảng biển.
Ở miền Nam, Gemadept đang dồn lực cho tái đầu tư cảng nước sâu Gemalink. Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) kỳ vọng Gemadept sẽ tạo nên tăng trưởng dài hạn từ phát triển cảng Gemalink, nhất là khi cảng này dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Ở miền Bắc, Gemadept ra sức đẩy mạnh cảng Nam Đình Vũ.
Theo ước tính, Nam Đình Vũ sẽ hoạt động 50% công suất trong năm 2018. Cảng này, cùng cụm cảng Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ, đã giúp Gemadept gia tăng thị phần ở cảng biển phía Bắc, nhất là ở khu vực Hải Phòng, từ 9% (năm 2016) lên 19-21% (năm 2017). Nếu cảng Nam Đình Vũ hoạt động hết công suất với 7 cầu tàu, theo đánh giá từ phía Công ty, Gemadept có thể chiếm lĩnh 35% thị phần tổng sản lượng thông qua ở Hải Phòng. Đây cũng là khu vực có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng 2 con số.
Đối với hoạt động khai thác cảng cạn (Depot, hay còn gọi là ICD), Gemadept cũng có những đầu tư thêm, nhất là ở khu vực Hải Phòng và đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là những dự án đóng vai trò hậu phương cho các cảng biển. Dự kiến, năm 2018 này, dự án Nam Hải ICD từ chỗ đạt 70% công suất sẽ tăng lên 100%.
Trong mảng logistics, mặc dù Gemadept đã nhường quyền chi phối Logistics Holdings, cho CJ nhưng Gemadept vẫn xem logistics là cốt lõi. Ở miền Bắc, Công ty dự tính xây dựng thêm Trung tâm phân phối rộng 10.000m2 tại Hải Phòng và đang nghiên cứu xây dựng Trung tâm phân phối lớn ở Bắc Ninh. Ở miền Nam, Gemadept đầu tư Trung tâm Logistics – Kho lạnh Mekong.
Ngoài ra, Công ty cũng dự tính phát triển thêm dịch vụ mới là vận tải nội thủy và vận tải xuyên biên giới. Từ năm 2018, Công ty cũng sẽ cung cấp dịch vụ logistics cho các công ty thương mại điện tử. Các hoạt động này là để Gemadept có thể đạt mục đích trở thành 1 trong 3 nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp logistics lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty còn khoản đầu tư nắm giữ gần 37,3% tại Công ty Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC- mã SCS). SCS luôn có giá trên 150.000 đồng/cổ phiếu. Theo kế hoạch, Gemadept sẽ vẫn theo đuổi khoản đầu tư này, với dự án mở rộng nhà ga Cảng hàng hóa hàng không SCSC. Ngoài ra, Gemadept cũng đầu tư giai đoạn 2 dự án Trung tâm kiểm định ô tô K – Line Gemadept.
Với một loạt dự án đầu tư kể trên, Gemadept cần nguồn vốn lớn. Như tổng vốn đầu tư cho cảng Gemalink là 340 triệu USD. Thoái bớt vốn sẽ giúp Gemadept thêm nguồn tài chính. Về lâu dài, theo hầu hết giới phân tích, các khoản đầu tư này sẽ là bệ đỡ vững chắc cho đà tăng trưởng của Gemadept.