Theo nguồn tin từ CTCK Bản Việt, đơn vị này đang tái khởi động lại quá trình phát hành GDR cho một số DN lớn của Việt Nam. So với thời điểm Bản Việt có công văn trình Bộ Tài chính xin hướng dẫn cho 2 DN khách hàng là Masan và Ocean Bank phát hành GDR của gần 1 năm về trước, thời điểm này, việc huy động vốn bằng GDR có lẽ khó khăn hơn, xuất phát từ sự co cụm đầu tư ở khắp nơi do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vì thế, chi phí huy động vốn, nếu phát hành thành công GDR trong bối cảnh này, sẽ cao hơn thời điểm trước. Tuy nhiên, khi công cụ này được chính thức cho phép, đó đã là một tín hiệu tích cực, giúp DN tránh đi tình trạng cứ “làm liều” khi chưa đủ cơ sở pháp lý.
Ngoài Masan và Ocean Bank, một DN khác là CTCP Kinh Đô cũng từng thông qua ý kiến ĐHCĐ về việc phát hành GDR tương ứng với 20 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài. Nay GDR được cho phép thí điểm, cũng là một điều kiện thuận lợi để DN thực hiện ý nguyện này.
Theo chuyên gia Huy Nam, muốn phát hành GDR, DN phải có tiềm lực tài chính tốt, minh bạch và được một ngân hàng lưu ký hoạt động toàn cầu đồng ý hỗ trợ quá trình huy động vốn cho DN ở nước ngoài. Phát hành GDR được ông Nam ví như bước “xuất khẩu” một lượng cổ phiếu. Các quyền lợi của người sở hữu GDR (ở nước ngoài) về cơ bản sẽ giống như người sở hữu cổ phiếu cơ sở (ở thị trường trong nước) tại DN. Có lẽ vì đặc tính này mà một trong những yêu cầu về hồ sơ khi DN xin phát hành GDR và niêm yết GDR ở nước ngoài là bắt buộc phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý TTCK nội địa, nơi DN niêm yết và phát hành chứng khoán gốc.
Nếu GDR là bước trung gian cho DN Việt đặt tên mình trên TTCK ngoại, thì ý tưởng niêm yết cổ phiếu tại TTCK quốc tế cũng đã từng được nhiều DN Việt Nam mong muốn từ lâu, nhưng vẫn còn rất nhiều khoảng trống pháp lý khiến DN chưa thực hiện được. Tuần qua, lãnh đạo 1 DN ngành giấy cho ĐTCK biết, ông đang nung nấu ý tưởng đưa cổ phiếu của DN (đang niêm yết trên HNX) lên niêm yết trên TTCK Đài Loan, vì một lý do rất “kinh tế”: nếu niêm yết trên TTCK Đài Loan, giá cổ phiếu của Công ty ông có thể cao gấp 5 lần giá mà nhà đầu tư Việt Nam đang trả. Tạm không bình luận thông tin về giá, nhưng mong muốn đưa cổ phiếu ra nước ngoài niêm yết với nhiều DN là rất thật, trong khi con đường để thực hiện mong muốn này đến nay vẫn còn rất mơ hồ.
Quy chế hướng dẫn GDR và sau đó là quy chế hướng dẫn DN Việt niêm yết trên TTCK nước ngoài là những điều mà DN và NĐT Việt Nam chờ đợi UBCK, Bộ Tài chính sớm có văn bản chính thức. Xét cho cùng, điều DN cần nhất, trước hết là chủ trương của Chính phủ và sau đó là sự hỗ trợ pháp lý, được thể hiện bằng những hướng dẫn công khai, chi tiết tất cả các công đoạn tìm vốn trên sàn ngoại. Còn điều DN sợ nhất là sự mơ hồ về pháp lý và cái cảnh vừa làm vừa xin, vừa làm vừa trình, vừa làm vừa chờ ý kiến từ các cơ quan quản lý.