Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 3-12 tại Hà Nội, cho thấy với kịch bản cơ sở giả định kích cầu chính sách ở mức khiêm tốn và đạt được nhiều tiến bộ hơn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính thì năm 2015 Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 5,6%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5% và nợ công ở mức 57,1% GDP.
WB nhận định kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, GDP quý III ước tăng 6,2%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,7%, khu vực dịch vụ tăng khoảng 6%, ngành nông nghiệp cũng có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, về tiềm năng kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhưng điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng.
Đây là 2 khu vực đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới.
Theo WB, dù Việt Nam đang có động lực rất lớn để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng mục tiêu cổ phần hóa 200 doanh nghiệp nhà nước (năm 2014) và 232 doanh nghiệp nhà nước (năm 2015) rất khó thực hiện trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang phục hồi chậm chạp như hiện nay.
Cũng theo đánh giá của WB, tốc độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay chậm hơn kỳ vọng, đặc biệt là quá trình hợp nhất các ngân hàng. Trong khi Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu thực hiện 6-7 thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong năm 2014 và giảm 50% số lượng ngân hàng trong 3 năm tới nhưng trong năm nay chưa có thương vụ M&A mới nào.
Một tín hiệu tích cực trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là không có thương vụ M&A nào trong quá khứ gây ra sự xáo trộn lớn tới hiệu quả hoạt động, tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Những nghiên cứu của WB trong 10 tháng năm 2014 cho thấy 2 thái cực của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn hạn chế, cầu tiêu dùng trong nước thấp, một môi trường kinh doanh chưa thật sự bình đẳng thì tâm lý kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI lại được cải thiện tích cực trong vòng 1 năm trở lại đây.
Cụ thể, trong 10 tháng có 54.300 doanh nghiệp trong nước đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 9% và có 60.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, khu vực doanh nghiệp FDI lại đang tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, lực lượng lao động tương đối có tay nghề (đối với hoạt động sản xuất cần nhiều nhân công), tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, vị trí liền kề chuỗi cung ứng của Trung Quốc để phát triển.
Khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư xã hội, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra 1/4 việc làm của khu vực doanh nghiệp chính thức.
Để khối doanh nghiệp dân doanh trong nước phát triển trong thời gian tới, WB khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Theo khảo sát môi trường kinh doanh tại 189 nền kinh tế của WB cho thấy, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tụt 6 bậc, từ vị trí 72 năm 2014, xuống 78 trong năm 2015.
Việc chậm cải thiện về khung thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đang thấp hơn mức trung bình của các nước ASEAN.