Newsweek đưa tin, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã thống nhất “cùng chung vai” chống lại các thuế quan bảo hộ được áp dụng với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong các cuộc thảo luận về thuong mại diễn ra tại Bắc Kinh hôm thứ Hai (25/6), các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đồng ý “kiên quyết phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại”.
Jyrki Katainen, Phó Chủ tịch Uỷ ban EU về Việc làm, Tăng trưởng, Đầu tư và Cạnh tranh, đã nhắc tới những hạng mục cụ thể là mục tiêu bị ông Trump công bố áp thuế trong thời gian gần đây. “Điều cần thiết là chúng ta hợp tác với nhau để giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa trong những lĩnh vực như thép và nhôm”, Reuters dẫn lời ông Katainen nói.
“Cả hai bên tin tưởng, chúng ta phải kiên quyết phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại; đồng thời ngăn chặn những hành vi như vậy tạo ra sự bất ổn và suy thoái cho nền kinh tế toàn cầu”, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu Hạc – người chủ trì các cuộc đàm phàn, tuyên bố. Ông cho biết, Trung Quốc và châu Âu cùng có lợi ích chung trong việc bảo hộ hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.
Trong khi ông Katainen cố gắng thể hiện rõ rằng, EU không hoàn toàn ở trong cùng lập trường với Bắc Kinh khi nhắc tới thương mại quốc tế, những mức thuế mới áp dụng của Mỹ lại vô hình chung đẩy Trung Quốc và châu Âu lại gần nhau hơn.
“Không quá khó hiểu khi Mỹ đang tự cô lập mình thì các đối tác thương mại chủ chốt của nước này, sẽ tìm cách mở rộng lợi ích kinh tế ở đâu đó,” Linda Lim, một giáo sư về chiến lược kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Stephen Ross thuộc Đại học Michigan, chia sẻ với Newsweek. Theo bà Lim, các mức thuế cứng rắn của ông Trump tạo ra nguy cơ khiến Mỹ mất đi sự ủng hộ của châu Âu, trong những nỗ lực gây áp lực lên Bắc Kinh, nhằm khiến quốc gia châu Á “thay đổi “chính sách công nghiệp và các quy định về chuyển giao công nghệ”. Đây cũng là những gì mà cả Mỹ và châu Âu đều đang phản đối.
“Xét về mặt kinh tế, các mức thuế quan của ông Trump áp dụng lên EU và Trung Quốc không thể đem lại lợi ích cho Mỹ,” bà Lim nhận định. Giáo sư này cho rằng, chúng sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng, gây tổn thương tới các doanh nghiệp và làm giảm lợi nhuận. “Nên lưu ý rằng, những chi phí này sẽ xảy ra bất chấp cả việc có các đòn đáp trả nước ngoài vào xuất khẩu của Mỹ hay không,” bà Lim cảnh báo.
Ngoài ra, vị chuyên gia chiến lược kinh doanh quốc tế còn chỉ ra, các mức thuế quan sẽ chỉ “gia tăng động lực cho Bắc Kinh để thúc đẩy sự mở rộng toàn cầu của các công ty Trung Quốc đến với các quốc gia bên thứ ba”; trong khi cùng lúc tăng tốc “sự phát triển của công nghệ nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu của Mỹ”.
Bà Lim phân tích: “Các mức thuế quan đại diện cho việc tăng thuế, và sự gia tăng các quy định của chính phủ trong quản lý vi mô cho nền kinh tế – điều này trái ngược với những gì mà chính quyền ông Trump nhẽ ra phải thực hiện”.
Trung Quốc, EU, Canada và Mexico đều đã tuyên bố các biện pháp đáp trả đối với việc áp thuế bảo hộ của nước Mỹ. Cuối tháng Năm, Washington thông báo áp các mức thuế mới lên tới 25% cho thép và nhôm nhập khẩu từ các đồng minh Mexico, Canada và EU. Đáp trả lại, EU đã áp thuế bổ sung lên khoảng 340 sản phẩm của Mỹ.
Trong khi đó, ngày 19/6, Tổng thống Mỹ lại tiếp tục đe doạ áp thuế bổ sung 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD, nhằm đáp trả cái mà ông gọi là động thái “không thể chấp nhận” của Trung Quốc khi tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ.
Trước đó, ngày 15/6, ông Trump đã công bố mức thuế bổ sung 25% đối với các mặt hàng của Trung Quốc, có tổng trị giá 50 tỷ USD, và cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đáp lại, Trung Quốc quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ, với tổng trị giá 50 tỷ USD sau khi được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn. Theo công bố, mức thuế bổ sung sẽ được áp dụng từ ngày 6/7 đối với 545 mặt hàng Mỹ, bao gồm nông sản và ô tô với tổng giá trị khoảng 34 tỉ USD. Thời gian áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng còn lại sẽ thông báo sau.
Như giáo sư Lim đã giải thích, các doanh nghiệp Mỹ sẽ là một trong những đối tượng hứng chịu tổn thương sau những leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới. Ví dụ như mới đây, Harley Davidson Inc. đã thông báo sẽ chuyển bộ phận sản xuất xe máy xuất EU, sang nước ngoài. Theo ước tính, các mức thuế quan sẽ gây tổn thất cho công ty này từ 90 đến 100 triệu USD/năm. Bà Lim đề xuất, Boeing – nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, cũng có thể thực hiện động thái tương tự như Harley.
Trong khi Harley chỉ là một trong nhiều ví dụ, giáo sư Đại học Michigan tin rằng, cuộc chiến thương mại “gần như chắc chắn sẽ tăng sự phân biệt đối xử trước các công ty Mỹ tại Trung Quốc”. Hiện Trung Quốc đang là “thị trường và nguồn lợi nhuân lớn nhất hoặc lớn thứ hai cho nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ”, bà Lim nhắc nhở.
“Các mức thuế quan của Mỹ sẽ đạt được đích xác kết quả trái ngược với những gì mà chúng dự định,” chuyên gia này nói. “Chúng sẽ củng cố quyết tâm của Trung Quốc nhằm xây dựng năng lực công nghệ nội địa và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, “với vai trò của WTO [Tổ chức Thương mại thế giới] đang ngày một yếu đi trước những hành động của chính nước Mỹ, Washington sẽ thiếu các biện pháp đa phương để chống lại bất kỳ hành động phân biệt đối xử nào của Trung Quốc”, giáo sư Mỹ cảnh báo.