Theo báo cáo của Chính phủ vừa gửi lên Quốc hội về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017. Theo đó, tại thời điểm 31-12-2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia xấp xỉ 2,5 triệu tỷ đồng, bằng 49% GDP, nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (nhỏ hơn 50% GDP).
Tuy nhiên, chỉ số nợ có xu hướng tăng so với năm 2016, và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia được Quốc hội phê duyệt. Đáng lưu ý, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng mạnh so với năm 2016 (tăng 6,3%), vượt giới hạn cho phép (dưới 25%), chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh.
Với sự gia tăng trên của nợ nước ngoài quốc gia so với GDP, dự kiến chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia/GDP năm 2018 ước tính 50,9% GDP, vượt ngưỡng nợ 50% do Quốc hội phê duyệt.
Trong khi đó, cũng tính đến cuối năm 2017, trong tổng dư nợ chính phủ hơn 2,5 triệu tỷ đồng, có đến 1,5 triệu tỷ đồng là vay nợ trong nước. Món nợ khủng này là hệ quả của những dự án đầu tư của Nhà nước bị thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, nổi cộm như Vinashin với thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Rồi các khoản nợ đến hạn không trả được của các dự án xi măng, đạm Ninh Bình, nhà máy bột giấy Phương Nam, gang thép Thái Nguyên giai đoạn II… là những thí dụ cụ thể đẩy nợ trong nước tăng lên.
Đặc biệt, 5 dự án đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và TPHCM đến nay bị đội vốn hơn 132.000 tỷ đồng. Trong đó riêng dự án metro tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) bị đội vốn 440%, tương ứng 38.556 tỷ đồng. Hay 2 dự án metro tại TPHCM là tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương, đội vốn 52.000 tỷ đồng.
Điều này đang “góp phần” làm cho nợ công lún sâu vào thâm thủng nợ nần. Con số 132.000 tỷ đồng (tương đương 5,7 tỷ USD) là rất lớn so với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Nếu đem lượng vốn này đầu tư cho hạ tầng trường học, bệnh viện, nước sạch ở các vùng còn khó khăn, số người thụ hưởng có thể lên đến hàng triệu.
Tính chung, đến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Con số này giảm 1% so với cách đây một năm. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối dư nợ công lại tăng 0,27 triệu tỷ đồng. Chính vì thế, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm qua. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.
Theo WB, bên cạnh cải thiện cơ cấu vay, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn, khoảng 50% nợ trong nước Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu chính phủ còn hạn chế như hiện nay.
Để quản lý nợ công an toàn, hiệu quả, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho ngân sách và đầu tư phát triển; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc cho vay lại và bảo lãnh chính phủ; kiểm soát chặt các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép…
Về nợ nước ngoài, để đảm bảo an toàn, Chính phủ cần phê duyệt hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả trong năm 2018, đảm bảo không vượt quá số dư nợ vào thời điểm 31-12-2017.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang đứng trước nhiều khó khăn, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc nhẹ.
Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư công gây thua lỗ, thất thoát ngân sách, chính là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp. Có những sai phạm đã bị xử lý nhưng sự răn đe dường như vẫn chưa đủ liều vì còn mang tính vụ việc, lẻ tẻ. Nếu không làm quyết liệt, vẫn còn vùng cấm và ngoại lệ, người được ủy quyền quyết định và sử dụng ngân sách vẫn chưa thể nào biết xót từng đồng tiền thuế của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kỷ luật tài khóa phải được siết chặt, kiên quyết thực hiện lộ trình giảm bội chi ngân sách, quản lý hiệu quả đầu tư công… Từ đó giảm gánh nặng nợ trong và ngoài nước, góp phần tăng trưởng và ổn định vĩ mô.