Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý II-2018 của một số NHTM vừa công bố lại cho thấy nợ xấu vẫn đang phát sinh, tiếp tục gây áp lực lên khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Giải tỏa áp lực nợ xấu cũ
Theo số liệu của VAMC, đến thời điểm này tỷ lệ nợ xấu của NH đã giảm từ 3,61% cuối năm 2013 xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30-6 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng.
Riêng năm 2017, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó), tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016, hoàn thành 140% kế hoạch được giao. VAMC cũng đã thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua nợ đạt hơn 3.100 tỷ đồng, triển khai các giải pháp xử lý nợ, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển nhượng dự án… thu hồi hơn 2.900 tỷ đồng (tương ứng hơn 90% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá thị trường năm 2017).
Bên cạnh đó cũng có nhiều NH đã mua lại nợ xấu từ VAMC để tự xử lý. Cuối năm 2016, Vietcombank công bố sạch nợ tại VAMC, chỉ sau 2 năm tập trung kế hoạch xử lý nợ, sớm trước 3 năm so với lộ trình 2020. Trước đó, Vietcombank bán cho VAMC lũy kế khoảng 6.500 tỷ đồng nợ xấu.
Sau Vietcombank, VIB cũng đã chủ động mua lại nợ xấu từ VAMC để đẩy nhanh quá trình xử lý. Trong nửa đầu năm 2017, Techcombank đã thực hiện mua nợ, đồng thời trích lập dự phòng toàn bộ lượng nợ xấu còn lại tại VAMC. ACB cũng cho biết mua lại toàn bộ hơn 1.500 tỷ đồng trái phiếu VAMC.
VietinBank mua lại khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC trong năm 2017, giảm giá trị trái phiếu đặc biệt từ 9.156 tỷ đồng xuống 2.472 tỷ đồng. Phía NH đã tăng trích lập dự phòng cho số trái phiếu VAMC này theo đó giá trị số trái phiếu chỉ còn 580 tỷ đồng, dự kiến xử lý toàn bộ trong năm 2018. Hiện một số NH cũng lên kế hoạch mua lại nợ đã bán.
Trong khi đó, NHNN cũng cho biết tính lũy kế từ 15-8-2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 3, toàn hệ thống đã xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu. Moody’s cũng nhận xét một số NH Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc xử lý nợ xấu, nhận định đây là điểm tích cực đối với tín nhiệm của ngành NH, giúp cải thiện chất lượng tài sản và tháo gỡ rào cản đối với lợi nhuận.
Lo trích lập nợ phát sinh
Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực về những khoản nợ đã xử lý, báo cáo tài chính quý II của các NHTM lại cho thấy còn nhiều vấn đề đáng lo. Nửa đầu năm nay, nợ xấu của Vietcombank giảm từ 1,37% xuống còn 1,15%, tương đương 6.983 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ, nợ nhóm 2, 3, 4 giảm nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh từ 1.940 tỷ đồng vào cuối năm 2017 lên 4.083 tỷ đồng vào cuối quý II-2018. Tại thời điểm 30-6, nợ xấu tại Techcombank ở mức 3.396 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 31,4% so với đầu năm, ở mức 3.396 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,04%/tổng dư nợ cho vay, tăng khá mạnh so với mức 1,62% hồi đầu năm.
Đáng chú ý, nợ nhóm 3 đã tăng 82,6%, lên 1.050 tỷ đồng, nợ nhóm 5 ở mức 1.982 tỷ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm và chiếm 58,4% tổng nợ xấu. MB cũng đang có 2.639 tỷ đồng nợ xấu tại ngày 30-6, tăng 423 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng 294 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 144 tỷ đồng.
Nợ xấu của TPBank hiện đang chiếm tỷ lệ 1,17%, tăng hơn so với mức 1,09% hồi đầu năm, trong đó nợ nhóm 5 chiếm đến 55% tổng nợ xấu, tăng 66% so với đầu năm. Tổng nợ xấu của ACB đã tăng 25% so với đầu năm (tương đương 347 tỷ đồng) lên mức 1.737 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ xấu của ACB, ở mức 1.032 tỷ đồng, chiếm 59% tổng nợ xấu.
Như vậy, sau khi xử lý tốt những khoản nợ xấu trước đây, các NH đang phải đối mặt với những khoản nợ xấu mới và phải tăng cường trích lập. Con số 3.235 tỷ đồng là khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã được Vietcombank trích lập trong 6 tháng qua, tăng 233 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Chi phí trích lập dự phòng rủi ro của TPBank cũng tăng lên mức 372 tỷ đồng, tăng 66% so với đầu năm. VPBank đã trích lập dự phòng rủi ro 5.446 tỷ đồng, tăng 36% so với cuối năm 2017. MB cũng đã dành 1.659 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vấn đề đặt ra đối với ngành NH là phải siết chặt chất lượng tín dụng để giảm phát sinh nợ xấu mới. Bởi nếu phát sinh nợ xấu mới, NH sẽ tiếp tục bài toán trích lập dự phòng để xử lý rủi ro, mức trích lập lớn sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho cả NH, doanh nghiệp và nền kinh tế.