Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cập nhật Tập đoàn FPT (FPT) với nhận định khả quan về sức khỏe tài chính trong năm 2018. Trong đó, FPT vẫn giữ vững đà tăng trưởng trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm.
Chi tiết, các mảng kinh doanh chủ lực tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng doanh thu và lãi sau thuế của khối Công nghệ đạt 21% và 31%, khối Viễn thông tăng 15% và 17%. Xuất khẩu phần mềm tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng, các hợp đồng mới từ Nhật Bản giúp duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Mặt khác, sau khi thoái vốn tại FRT và Synnex FPT, hàng tồn kho, các khoản phải trả và nợ vay ngắn hạn của FPT giảm.
Lợi nhuận từ việc thoái vốn cho phép FPT đẩy mạnh Capex để phát triển các mảng kinh doanh cốt lõi
Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu FPT đạt 10.225 tỷ đồng, tăng 19%; LNTT đạt 1.687 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.412 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 19%, đạt 1.103 tỷ đồng và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.803 đồng, tăng 19%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 16,5%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ.
Riêng về Khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 5.457 tỷ đồng và 592 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 31% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 3.578 tỷ đồng, tăng 29%. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 532 tỷ đồng, tăng 23%.
Khối Viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 15%, đạt 4.191 tỷ đồng, trong khi đó LNTT đạt 727 tỷ đồng, tăng 17%.
Ngoài ra, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả tích cực với 3.887 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% và 607 tỷ đồng LNTT, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thị trường nước ngoài đóng góp 38% doanh thu toàn Tập đoàn, tăng 23% so với tỷ lệ đóng góp cùng kỳ. Với hướng đi tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu chuyển đổi sổ của FPT tại thị trường nước ngoài đạt 742 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, với việc mua 90% cổ phần của Intellinet (Công ty tư vấn công nghệ nằm trong top 50 công ty tư vấn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ), FPT sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt là dịch vụ chuyển đổi số.
Hậu thoái vốn, cấu trúc nguồn vốn của FPT trở nên tinh gọn hơn
Mặt khác, báo cáo hợp nhất quý 2/2018 cho thấy hàng tồn kho giảm gần 3.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả giảm 1/3, giúp tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm còn 76% lần đầu tiên kể từ năm 2014, khi FPT Retail bắt đầu mở rộng.
VDSC ước tính chi phí tài chính của FPT có thể giảm một nửa nhờ vào việc giảm các khoản vay, trong khi lượng tiền mặt dồi dào tạo ra khoản thu nhập lãi tiền gửi đều đặn.
Ngoài ra, theo đơn vị chứng khoán này năng lực tài chính khỏe mạnh của FPT còn thể hiện ở việc tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức ổn định 2.000 đồng/cp mặc dù mới chia 20% cổ tức bằng cổ phiếu. FPT có dòng tiền đủ mạnh để đẩy tỷ lệ chi trả cổ tức lên đến 48% trong khi vẫn duy trì lượng tiền mặt nắm giữ dồi dào.
Nhìn chung, VDSC khẳng định duy trì quan điểm lạc quan về năng lực tăng trưởng ổn định của hai mảng kinh doanh mũi nhọn của FPT là Viễn thông và Công nghệ. Sau thoái vốn, dòng tiền lớn được FPT tái đầu tư để cải thiện chất lượng dịch vụ viễn thông và nâng cao năng lực gia công phần mềm. VDSC kỳ vọng vào tăng trưởng mảng xuất khẩu phần mềm nhờ vào nguồn việc dồi dào từ thị trường Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương. VDSC cũng dự phóng biên lợi nhuận của mảng viễn thông sẽ tăng trong dài hạn nhờ vào chính sách hỗ trợ của chính phủ và các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng do chính FPT đầu tư.