Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Nguồn vốn BIDV nhận định, quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và mạnh hơn (2015: 1 lần; 2016: 1 lần; 2017: 3 lần; 2018: dự kiến 4 lần).
Ông Quỳnh phân tích thêm, đối với kinh tế Việt Nam, vẫn đang có một triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, lạc quan theo đánh giá độc lập của nhiều tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế như Fitch hay Moody’s. Chính phủ cũng đang kiên định với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến đặc thù của thị trường tài chính Việt Nam khi tỷ lệ dòng vốn “nóng” của khối nhà đầu tư nước ngoài thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
“Do vậy, mức độ tác động của quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đối với Việt Nam có phần nhẹ nhàng hơn so với nhiều quốc gia mới nổi khác”, ông Quỳnh nói.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, phụ trách Khối Nguồn vốn VIB cho biết, đối với thông tin Fed tăng lãi suất, trên thị trường đã có những dự báo khá chắc chắn nên không có nhiều cú sốc đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng với việc các ngân hàng Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước những thông tin đã được dự đoán, tỷ lệ vay USD trên tổng nợ của ngân hàng có quy mô rất nhỏ, nên trong điều hành gần như không có rủi ro lãi suất trên danh mục cho vay bằng ngoại tệ.
“Dư nợ bằng ngoại tệ không tăng mạnh, cơ cấu tỷ lệ nợ USD trên tổng nợ của hệ thống ngân hàng thấp bởi lý do chính là lãi suất VND và USD đã tiệm cận nhau trong cho vay ngắn hạn ở những doanh nghiệp tốt”, ông Trung nói thêm.
Còn ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam nhận định, việc tăng lãi suất của Fed không ảnh hưởng đáng kể lên dòng vốn FDI do đây là các dòng vốn đầu tư dài hạn, mà chủ yếu tác động lên các kỳ lãi suất ngắn hạn. Lãi suất dài hạn của Fed vẫn ở mức 2,8%/năm, đồng thời các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ Hàn Quốc – đối tượng thường không quá nhạy cảm với lãi suất của Mỹ.
“Về kiều hối, tôi không cho rằng việc thay đổi này có ảnh hưởng đáng kể. Lãi suất cao hơn từ Fed thực sự không dẫn đến tiết kiệm tăng cao đáng kể ngay lập tức, đặc biệt khi mức độ tăng vẫn còn thấp hơn so với trước đây. Tôi cũng không cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng nhiều lên dòng kiều hối gửi về Việt Nam”, ông Khoa nói.
Tuy đánh giá tác động trực tiếp của việc Fed tăng lãi suất lên nền kinh tế Việt Nam là không đáng kể, nhưng ông Trung cũng cho rằng: “Tác động gián tiếp là có thể, bởi dòng tiền thông minh sẽ hạn chế chảy về các thị trường mới nổi, mà quay về bản quốc. Việc lãi suất USD tăng sẽ kéo lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên. Khi đó, các dòng tiền thông minh sẽ ‘trôi’ về bản xứ cho đến khi tìm được một cơ hội tốt hơn. Điều này cũng có nghĩa là nguồn tiền thông minh cũng sẽ hạn chế chảy vào Việt Nam”.
Ông Quỳnh nhận định, trong giai đoạn tới, Fed sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ khi dự kiến nâng lãi suất cơ bản thêm khoảng 2 lần năm 2018 và 3 lần năm 2019. Cộng hưởng với những yếu tố bất ổn trong môi trường kinh tế toàn cầu đang gia tăng như chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị… sẽ tạo ra những khó khăn lớn hơn cho kinh tế Việt Nam và trở thành thử thách thực sự đối với quá trình điều hành của Chính phủ, cũng như hoạt động của các ngân hàng thương mại về các vấn đề như tỷ giá tăng, lạm phát tăng, lãi suất tăng, nợ công tăng…
“Liên quan đến các vấn đề về lạm phát, tỷ giá hay lãi suất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phát huy tính linh hoạt, nhạy bén của giai đoạn vừa qua, phối hợp chặt chẽ cùng chính sách tài khóa để Việt Nam có thể duy trì được các thành quả trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối và tạo được niềm tin đối với thị trường.
Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung, chúng tôi sẽ bám sát định hướng điều hành chung của cơ quan quản lý, chủ động trong công tác phân tích, dự báo để có các dịch chuyển phù hợp trong hoạt động kinh doanh”, ông Quỳnh nói.