Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất cơ bản 4 lần trong năm nay, với tổng mức lãi suất tăng thêm tới 1 điểm phần trăm. Theo ông, vì sao nền kinh tế số một thế giới lại dồn dập tăng lãi suất?
Nguyên nhân chính khiến Fed tăng lãi suất, theo tôi, là do nền kinh tế Mỹ đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi mà tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2018 đạt 4,1%; tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua. GDP tăng trưởng cao, trong khi lãi suất thấp, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới thường nhân cơ hội để tăng lãi suất nhằm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, vì thế, Fed tăng lãi suất cơ bản cũng không bất ngờ.
Việc Fed tăng lãi suất không tác động quá xấu đến kinh tế Việt Nam, ngược lại còn tác động tốt vì Mỹ là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới, một khi kinh tế Mỹ tăng trưởng, kéo theo kinh tế thế giới tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gấp gần 2 lần GDP, thì khi kinh tế thế giới tăng trưởng, đặc biệt là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc… tăng trưởng sẽ khiến nhu cầu đầu tư, chi tiêu của doanh nghiệp và người dân tăng lên, tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhưng việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động tới tỷ giá VND/USD theo hướng VND “đắt” lên, thưa ông?
Không phải chỉ có năm 2018, Fed mới tăng lãi suất, mà việc điều chỉnh tăng/giảm lãi suất cơ bản của Fed hay ngân hàng trung ương các nước trên thế giới diễn ra thường xuyên. Trong mấy năm qua, Fed liên tục tăng lãi suất, nhưng tỷ giá VND/USD vẫn tương đối ổn định, đặc biệt kể từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá bằng “tỷ giá trung tâm”. Tỷ giá trung tâm được thay đổi hàng ngày dựa vào sự biến động của rổ 8 loại ngoại tệ của các quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam, tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cân đối vĩ mô.
Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm cho phép tỷ giá VND so với các loại ngoại tệ khác biến động linh hoạt hàng ngày dựa vào diễn biến của cung – cầu ngoại tệ trong nước và thị trường thế giới, đồng thời hạn chế những đợt điều chỉnh mạnh tỷ giá nhưng vẫn đảm bảo được vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, cho dù USD có biến động mạnh so với các ngoại tệ khác, thì tỷ giá VND/USD vẫn tương đối ổn định, bởi khi xác định tỷ giá, ngoài USD, Ngân hàng Nhà nước còn căn cứ vào 7 ngoại tệ mạnh khác.
Khi USD mất giá so với các loại ngoại tệ khác, để tạo lợi thế xuất khẩu, các nước đua nhau phá giá đồng nội tệ. Thưa ông, trong khi các nước phá giá đồng nội tệ, tỷ giá VND/USD được duy trì ổn định có khiến hàng hóa Việt Nam bị bất lợi trên thị trường xuất khẩu?
Đúng là mọi giao dịch thương mại, cung cấp dịch vụ đều quy đổi ra USD, nhưng không phải toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu tính bằng USD, mà bằng nhiều loại ngoại tệ khác nữa. Doanh nghiệp thanh toán bằng loại ngoại tệ nào, tỷ trọng bao nhiêu còn tùy thuộc vào sự ổn định của tỷ giá giữa VND với đồng ngoại tệ của quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào. Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản thường sử dụng tỷ giá VND/JPY, xuất khẩu sang Trung Quốc thường sử dụng tỷ giá VND/CNY, xuất khẩu sang EU thường sử dụng tỷ giá VND/EUR…, nên cho dù USD biến động cũng không tác động nhiều tới hoạt động thương mại không thanh toán bằng USD.
Nói chung, tùy vào sự biến động tỷ giá giữa các đồng tiền, doanh nghiệp sẽ sử dụng đồng tiền nào ổn định hơn để thanh toán nhằm tránh rủi ro khi USD biến động, nên mặc dù nhiều loại ngoại tệ khác mất giá khá mạnh so với USD cũng không tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh, trong thời gian vừa qua, tốc độ mất giá của nhiều loại ngoại tệ mạnh khác so với USD khá cao, nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. Đơn cử, trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 25,5 tỷ USD, tăng gần 9%; EU đạt 24,2 tỷ USD, tăng gần 13%; Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 24,7%; ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, tăng 16,2%; Nhật Bản đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,2%. Đặc biệt, xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng gần 32%, với tổng kim ngạch đạt 10,2 tỷ USD.
Fed tăng lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại Mỹ cũng sẽ tăng lãi suất huy động và cho vay. Nếu vẫn muốn giảm lãi suất (cả huy động lẫn cho vay), theo ông, việc điều hành lãi suất có đi ngược xu hướng?
Mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng đầu năm 2018 của Việt Nam được giữ ổn định, phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và khách hàng có uy tín giảm khoảng 0,5%/năm.
Mặc dù vậy, hiện mặt bằng lãi suất vẫn còn khá cao so với nhiều nước trong khu vực, cộng với việc cần phải sử dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng tạo điều kiện thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7 – 6,8% trong năm nay, nên Việt Nam vẫn còn cơ hội giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay, cho dù Fed có tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong nửa cuối năm 2018.