Lạm phát tăng tốc
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ được công bố cuối tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 6 so với tháng trước bằng một nửa so với mức tăng 0,2% của tháng 5, nhưng nó cũng đủ để nâng mức tăng CPI hàng năm lên 2,9% trong tháng 6, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/2012.
Nếu loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm tươi sống dễ biến động, CPI lõi tăng 0,2% trong tháng 6 so với tháng trước. Thế nhưng CPI lõi hàng năm đã tăng lên 2,3% từ mức 2,2% của tháng 5, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/2017, từ mức 2,2 phần trăm trong tháng 5.
Đáng chú ý là thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi (đã loại trừ năng lượng và thực phẩm tươi sống) đã đạt mục tiêu 2% của Fed lần đầu tiên sau 6 năm vào tháng 5. Các nhà kinh tế dự báo, PCE lõi sẽ vượt qua mục tiêu 2% của Fed trong tháng 6.
Lạm phát tổng thể tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc nhanh hơn trong thời gian tới trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục được thắt chặt, thất nghiệp giảm thấp kỷ lục, trong khi chính sách thuế quan của Mỹ có thể đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng tăng cao hơn.
Trong khi báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 7/6 cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm được 213.000 việc làm mới trong tháng trước, cao hơn nhiều dự báo của các nhà phân tích. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 4% do lực lượng lao động tăng trưởng mạnh mẽ khiến số người tìm kiếm việc làm tăng nhanh.
Đây được xem như là một tín hiệu tích cực và củng cố thêm niềm tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. “Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng để đáp ứng với một nền kinh tế đã gần đạt tới trạng thái toàn dụng, cộng thêm tác động từ chính sách thuế quan”, Sal Guatieri – một nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets ở Toronto cho biết.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều quan chức Fed quan ngại hiện nay đó là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với nhiều nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và EU, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế, cho dù nó có thể đẩy lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn.
Fed rơi vào thế bí
Tuần trước, chính quyền Trump đã áp thuế nhập khẩu 25% lên trên 34 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và sẽ tăng lên 50 tỷ USD trong thời gian tới. Ngay lập tức Trung Quốc cũng đã có hành động trả đũa khi cũng áp thuế suất 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và cũng được thiết kế để tăng lên 50 tỷ USD nếu Mỹ có hành động tương tự.
Thế nhưng, ông Trump đã đáp lại sự cứng rắn từ Trung Quốc với lời đe dọa sẽ áp thuế suất 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, thậm chí tiến tới áp thuế nhập khẩu lên tổng cộng 500 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc – tương đương giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong năm 2017.
Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump có thể đẩy giá cả tại Mỹ tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Trước đó, thuế nhập khẩu gỗ, nhôm và thép đã đẩy các nhà sản xuất phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng. Mặc dù cho đến nay, các nhà sản xuất vẫn chưa chuyển những chi phí này sang phía người tiêu dùng, tuy nhiên tình hình có thể sẽ rất khác nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
“Chúng tôi không lường trước được nhiều về diễn biến của CPI lõi hàng năm trong vài tháng tới”, Sarah House – một nhà kinh tế cấp cao của Wells Fargo Securities ở Charlotte, North Carolina cho biết. “Việc mở rộng thuế quan, bao gồm cả khả năng hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp, có thể tạo ra một số rủi ro tăng lên cho dự báo lạm phát của chúng tôi trong nửa cuối năm nay”.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng được dự báo sẽ gây nhiều tổn thương cho nền kinh tế Mỹ và có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại. Theo New York Times, các mức thuế áp lên Trung Quốc, vốn được mệnh danh là công xưởng toàn cầu, nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ nhiều hơn là các công ty Trung Quốc.
USA Today cũng dẫn lời Mark Zandi – Kinh tế trưởng của bộ phận phân tích thuộc Moody’s cho biết, cuộc chiến leo thang sẽ gây thiệt hại nhiều hơn và sẽ có lúc phá hoại nền kinh tế vận hành tốt và dẫn đến suy thoái. Theo dự báo của Hội đồng phân tích kinh tế Pháp, GDP của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ giảm 3-4%.
Tất cả những điều đó có thể khiến Fed phải thận trọng hơn với quyết định tăng tiếp lãi suất cho dù lạm phát đang tăng có xu hướng tăng nhanh. Biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed cũng cho thấy, nhiều quan chức Fed tỏ ra không mấy quan ngại nếu lạm phát vượt quá mục tiêu 2%. Fed đã thực hiện tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay vào tháng 6 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa trước khi kết thúc năm.