Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo ngại miền Nam sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện sau năm từ năm 2021, tại “Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững” ngày 9/8.
Theo ông Hải, giai đoạn 2021-2023, có khả năng thiếu điện khi gần như các nguồn điện đều đã huy động hết, cả các nguồn điện giá cao như dầu (cao gấp 2-3 lần nguồn điện chạy than, khí) cũng được huy động trong giai đoạn này.
“Nếu phụ tải tăng trưởng cao đột biến, mực nước thuỷ điện về kém hơn, chưa kịp thời có nguồn khí mới thay thế… thì rủi ro về khả năng thiếu điện sau 2023 sẽ xảy ra”, đại diện EVN cảnh báo.
Tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến 2025. EVN cho rằng phải sau năm 2030 Việt Nam cơ bản mới đáp ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Theo EVN, việc đảm bảo cung ứng điện toàn toàn quốc trong thời gian tới sẽ có nhiều rủi ro. Các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Qui hoạch điện VII điều chỉnh.
Nguồn điện xây dựng mới chỉ được 1/3 mục tiêu. Các dự án nhiệt điện than đến nay chưa được khởi công xây dựng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo.
Nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cho phát điện tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn khí thiên nhiên trong nước đang giảm nhưng chưa có nguồn thay thế. Khí Lô B và Cá Voi Xanh kế hoạch đưa vào 2021–2023 nhưng nếu không đáp ứng tiến độ thì sẽ là rủi ro cao cho giai đoạn tiếp theo.
Ngoài các giải pháp đẩy nhanh các dự án điện trong nước, ông Hải đề nghị đẩy nhanh đàm phán mua điện từ Lào. Hiện nay, việc đàm phán khung giá điện hiện khá khó khăn do chưa đạt được sự thống nhất giữa 2 Chính phủ. EVN cũng đề nghị tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc ở phía Bắc theo phương án cách ly lưới điện.