Trao đổi với TBKTSG Online, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, EC đã chính thức gửi văn bản về vụ việc nêu trên đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Thứ Ba tuần sau, chúng tôi sẽ có buổi họp báo để thông tin chính thức về vụ việc này”, bà cho biết.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng xác nhận, EC quyết định kéo dài thời gian áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam và đến tháng 1-2019 họ sẽ sang đánh giá lại. “Điều này, cũng giống như cái bước trước đó là sau đúng 6 tháng họ (EU) sang để xem mình (Việt Nam) cải tiến được những gì rồi”, ông nói.
Thông tin từ VASEP cho biết, để khắc phục được “thẻ vàng” của EU, hải sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức lớn cần phải vượt qua.
Cụ thể, việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều lỗ hổng; việc kiểm soát đánh bắt cũng lộ rõ nhiều vấn đề cần xử lý. Chẳng hạn, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá, trong đó có khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh.
“Như vậy, lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn”, thông tin từ VASEP cho biết.
VASEP cho biết thêm, dù Việt Nam đã lồng ghép các khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017, các nghị định, văn bản hướng dẫn…, nhưng vẫn cần đẩy mạnh việc thực thi ở các địa phương.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online rằng: nếu đến thời điểm tháng 1-2019, Việt Nam vẫn chưa khắc phục những tồn tại như khuyến nghị của EC, thì liệu đơn vị này có rút “thẻ đỏ” với hải sản Việt Nam hay không?
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, khó có khả năng EC sẽ rút “thẻ đỏ”. Bởi, Việt Nam vẫn đang nổ lực khắc phục và tuân thủ nghiêm theo khuyến nghị của EC, chứ không phải không khắc phục.
Tuy nhiên, theo ông, việc khắc phục nhưng tồn tại trong nghề cá không phải là câu chuyện đơn giản, một lúc là khắc phục được ngay. “Ví dụ, Thái Lan họ cũng bị duy trì “thẻ vàng” mấy năm nay rồi”, ông dẫn chứng.
Dù khả năng bị rút “thẻ đỏ” không cao, nhưng ông Hòe cho rằng việc xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sụt giảm. Bởi, tâm lý của người mua và người bán đều không thích do các vấn đề phát sinh ở khẩu kiểm tra hồ sơ sẽ bị kéo dài, lâu hơn và điều này dẫn đến chi phí tăng do kéo dài thời gian lưu kho.
Trước đó, vào ngày 23-10-2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.