Nền kinh tế khu vực đồng Euro đã đủ mạnh để vượt qua các rủi ro đang gia tăng và đây là lập luận để biện minh cho quyết định sẽ ngừng mua trái phiếu của ECB, khép lại một chương “bất thường” trong cuộc đấu tranh kéo dài gần một thập kỷ qua với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tại khu vực.
Đồng Euro đã giảm tới hơn 1% sau khi ECB cam kết giữ lãi suất không thay đổi ít nhất là tới mùa hè năm 2019 – một khung thời gian dài hơn so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Trong một quyết định được Chủ tịch ECB Mario Draghi miêu tả là có sự nhất trí cao, ECB sẽ ngừng mua trái phiếu vào tháng 12 năm nay. Các quan chức ECB muốn thúc đẩy chấm dứt chương trình này trên cơ sở ‘đặt cược” rằng nền kinh tế khu vực đồng Euro đủ mạnh để vượt qua những rủi ro hiện nay, trong đó bao gồm việc áp thuế thương mại của Mỹ và những lo lắng Chính phủ dân túy của Italia sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khác.
“Chúng tôi đã đưa ra những quyết định này vì biết rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tốt hơn, dù những bất ổn cũng gia tăng”, ông Draghi cho biết tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách.
Quyết định của ECB được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần thứ hai trong năm nay. Những động thái như vậy càng cho thấy một thập kỷ “tiền tệ dễ dãi” tại châu Âu và Mỹ đang dần đi đến hồi kết.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã lựa chọn không theo Fed trong thắt chặt chi phí vay, hay việc NHTW Nhật Bản (BoJ) nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách kích thích trong cuộc họp ngày 15/6 lại cho thấy xu hướng thắt chặt cũng chưa hẳn đã là con đường chung của các NHTW lớn trên thế giới.
Nhận định về quyết định vừa qua của ECB, nhà kinh tế Karsten Junius thuộc Ngân hàng J Safra Sarasin cho rằng: “Đây là sự bình thường hóa “u ám” nhất mà tôi có thể mong đợi”.
Giới phân tích cũng cho rằng, rất có thể cho đến hết nhiệm kỳ của mình (kết thúc vào tháng 10 năm tới), ông Mario Draghi sẽ không đưa ra bất cứ một quyết định tăng lãi suất nào.
“Mọi con mắt sẽ đồ dồn vào người kế nhiệm ông Draghi và áp lực lên vị Chủ tịch mới ECB là khả năng sẽ phải tăng lãi suất nhiều lần vào năm 2020”, Marchel Alexandrovich, nhà kinh tế cấp cao của Jefferies có trụ ở London nhận định.
Theo một khảo sát của Bloomberg, Thống đốc NHTW Đức Jens Weidmann – một nhà chỉ trích lâu nay đối với chính sách siêu nới lỏng – đang là nhân vật tiên phong có khả năng kế vị ông Draghi.