Mới đây, Công ty Cổ phần Dược phẩm DHG (HoSE: DHG) đã được nới room ngoại (FOL) từ 49% lên 100%. Đồng thời, DHG cũng công bố đề nghị chào mua công khai cổ phiếu DHG của cổ đông chiến lược Taisho. Cổ đông Nhật muốn chào mua công khai 9,23 triệu cổ phiếu DHG nhằm nâng sở hữu lên 32% từ mức 24,94%.
Mặc dù chưa có thông tin chính thức liên quan đến việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn, SSI Retail Research cho rằng việc nới room lần này là một trong những bước đầu tiên để thoái vốn nhà nước tại DHG, tương tự như trường hợp của Vinamilk.
Hiện tại, SCIC là cổ đông lớn nhất với tỉ lệ sở hữu là 43,31%, trong khi nhà đầu tư chiến lược là Công ty Dược phẩm Taisho (Taisho) nắm giữ 24,94% cổ phần. Công ty Chứng khoán HSC nhận định Taisho muốn mua cổ phần đa số. Giới phân tích kỳ vọng điều này sẽ tạo ra một cú hích cho DHG trong tương lai.
Trong thị trường bão hòa
Là doanh nghiệp sản xuất thuốc hàng đầu tại Việt Nam, DHG đứng ở vị trí top 5 khi chiếm lĩnh trên 5% thị phần toàn ngành dược và 14% thị phần thuốc sản xuất trong nước, theo báo cáo ngành dược năm 2017 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS). Các sản phẩm tự sản xuất chính của DHG gồm: thuốc kháng sinh (chiếm 31% cơ cấu thuốc), thuốc giảm đau hạ sốt (chiếm 20% cơ cấu thuốc), thuốc gan mật, tiêu hóa (11%), thuốc tim mạch, tiểu đường (11%), dinh dưỡng (7%) và các sản phẩm dược khác (20%).
Hệ thống bán hàng của DHG tập trung vào kênh nhà thuốc- OTC (chiếm trên 86% doanh thu năm 2016), trong khi tỉ trọng kênh bán theo đơn bác sĩ – ETC vào khoảng 14%. Công ty có lợi thế là hệ thống phân phối rộng khắp cả nước gồm 35 chi nhánh, trên 25.000 khách hàng và gần đây DHG có hợp tác với các đối tác bán lẻ như siêu thị/ trung tâm thương mại/cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán VCSC, tình hình kinh doanh các sản phẩm tự sản xuất đã chững lại trong 4 năm qua do mạng lưới phân phối của DHG đã bão hòa và các sản phẩm thiếu tính khác biệt. Doanh thu và lợi nhuận không có nhiều đột biến.
Kênh OTC (chiếm khoảng 90% doanh thu) đang mất dần thị phần tại bệnh viện khi bảo hiểm y tế toàn dân ngày càng phổ biến. Các công ty dược trong nước đang gặp nhiều khó khăn trên kênh OTC vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu có giá thấp hơn trong quá trình đấu thầu tại bệnh viện, trong khi chưa đủ công nghệ để thâm nhập các phân khúc cao cấp hơn.
Thị trường dược phẩm của Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài khi tăng trưởng với tốc độ hai con số. Business Monitor International dự báo thị trường dược phẩm tại Việt Nam sẽ vượt 7 tỉ USD vào năm 2020. Hệ thống phân phối của thị trường tân dược gồm 2 kênh ETC và OTC. Đối với kênh ETC, nhóm sản phẩm phân phối qua kênh bệnh viện chủ yếu là nhóm thuốc điều trị bao gồm thuốc tim mạch, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị lao, giảm đau, gây mê,… và nhóm thuốc kháng sinh.
Đối với nhóm sản phẩm phân phối qua kênh OTC chủ yếu là nhóm thuốc không cần kê toa như thuốc tra mắt, mũi, thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm, bổ sung dinh dưỡng, vitamin,… Trong đó, nhóm thuốc kháng sinh, nhóm điều trị tim mạch và ung thư là 3 nhóm thuốc chiếm tỉ lệ tiêu thụ cao nhất. Từ đó PHS nhận định rằng, kênh phân phối qua bệnh viện là mục tiêu chính yếu của các doanh nghiệp sản xuất tân dược.
Sự ra đời của Thông tư 11/2016/TT-BYT quy định về việc không cho các sản phẩm nhập khẩu trúng thầu nếu các sản phẩm nội địa đạt được yêu cầu về số lượng và chất lượng được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đấu thầu vào kênh bệnh viện.
Hiện tại, thị trường dược phẩm Việt Nam nhận được được quan tâm bởi các nhà đầu tư ngoại. Các công ty dược tại Việt Nam chủ yếu sản xuất thuốc thực phẩm chức năng và thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền), trong khi đó, nhóm thuốc chất lượng cao bao gồm biệt dược gốc, thuốc điều trị… lại là sân chơi dành cho các doanh nghiệp ngoại và các doanh nghiệp FDI.
Do vậy, để tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp dược nội địa, đồng thời hỗ trợ mở rộng hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới (R&D), mua bán và sáp nhập (M&A) được coi là con đường gần như là tất yếu đối với các doanh nghiệp dược nội địa.
Kỳ vọng gì từ nới room?
Khi DHG nâng trần sở hữu khối ngoại lên mức tối đa, DHG sẽ hoàn toàn từ bỏ các hoạt động phân phối liên quan đến các đối tác nước ngoài. Hiện tại, theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP, công ty nước ngoài không được trực tiếp bán lẻ hoặc phân phối thuốc trên thị trường Việt Nam.
Do vậy, để chuẩn bị cho việc nới room, DHG đã từ bỏ các hoạt động phân phối với các đối tác nước ngoài. Trong 3 năm qua, doanh thu thuần của hàng thương mại luôn chiếm hơn 20% tổng doanh thu thuần. Tuy nhiên, hàng thương mại chiếm tỉ trọng nhỏ khoảng 2-3% trong lợi nhuận trước thuế. Do đó, SSI Retail Research cho rằng tác động của việc ngừng hoạt động thương mại có thể không ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận ròng.
Ngành y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, 80% chi tiêu cho thuốc hướng đến thuốc sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Các doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội này để giành lại thị phần từ các sản phẩm thuốc ngoại. Hiện tại, thuốc nhập khẩu vẫn chiếm hơn 50% nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong các loại thuốc được cấp bằng sáng chế.
Hợp tác với Taisho đang đem lại hiệu quả nhờ có hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển. Việc này sẽ giúp DHG có thêm lợi thế gia tăng khả năng đấu thầu trên kênh ETC, nâng tỉ trọng doanh thu đến từ kênh ETC. Cũng nhờ sự hỗ trợ của Taisho, DHG có thể áp dụng tiêu chuẩn khu vực cho các nhà máy, giúp Công ty gia tăng tiềm năng xuất khẩu và hoạt động quản trị chuỗi cung ứng được cải thiện.
Chẳng hạn, hiện tại, DHG đã hoàn thành giai đoạn 1 việc nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc dạng viên/dạng sủi đáp ứng tiêu chuẩn PIC/s (một trong những tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc với chất lượng cao nhất).
Theo DHG, Bộ Y tế Malaysia nhiều khả năng sẽ cấp chứng nhận PIC/s cho dây chuyền Hapacol của Công ty vào tháng 12. Về tiêu chuẩn PMDA, ở giai đoạn đầu, DHG sẽ lựa chọn một số sản phẩm và dây chuyền sản xuất để áp dụng tiêu chuẩn này. Sau đó, Công ty sẽ nâng cấp các sản phẩm chiến lược lên tiêu chuẩn cao hơn là EU-GPM trong tương lai gần.
DHG kỳ vọng sản phẩm viên sủi bọt sẽ được xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực bao gồm Malaysia, Indonesia và Philippines. Công ty đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu sẽ đạt 5 triệu USD vào năm 2020.
Năm 2018, DHG đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.017 tỉ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 768 tỉ đồng tăng 6,7% so với kết quả thực hiện năm trước. Trong năm 2018, SSI Retail Research dự báo doanh thu thuần của DHG đạt 3.898 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỉ đồng (tăng 0,1% so với năm 2017. Các yếu tố tăng trưởng đến từ vận hành trơn tru tại cả khâu sản xuất và bán hàng và hơn nữa DHG sẽ tập trung hơn vào việc bán các sản phẩm mang thương hiệu DHG sau khi nới room.