Ông Nguyễn Văn Hiệp, một nhà đầu tư tại Khánh Hòa cho biết đang rất đau đầu trước quyết định nên bán ra ngay hay tiếp tục chờ đợi thị trường nóng trở lại. “Tôi đầu tư vào khu vực này ngay khi giá đất đã cao nên giờ nếu xả hàng với giá thấp thì sẽ lỗ khá nặng. Tuy nhiên, nếu kéo thêm một thời gian dài nữa thì tôi lại sợ không thể kham nổi do phải vay lãi ngân hàng”.
Hiện tại ông Hiệp vẫn đang cầm cự với khá nhiều lô đất tại đây. Ông cho biết, giá đất khu vực ông đầu tư vẫn đang ổn định, chưa có dấu hiệu giảm sâu do nhà đầu tư không bán tháo ồ ạt, vấn đề là bán ra với giá cao rất khó vì kén người mua.
Trong khi đó, không ít nhà đầu tư bắt đầu mất niềm tin vào đất đặc khu. Ông Nguyễn Viết Xuân, một khách hàng Hà Nội cho biết, ngay khi thấy thị trường có dấu hiệu nguội, ông đã nhanh tay bán ra số đất mình nắm giữ ở Vân Đồn. “
Con số lời thu được thực chất không cao do giá tôi mua vào đã gần chạm đỉnh, nhưng tôi cũng mừng vì đã kịp bán hết số đất đang ‘ôm’ xem như trút gánh nặng, lời ít nhưng chắc”, nhà đầu tư này cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai tại Vạn Ninh, Phú Quốc, Vân Đồn gần đây đều trở nên trầm lắng, ảm đạm. Tại các sàn giao dịch lớn, con số ký gửi bán ra cao, nhiều sàn hiện từ chối nhận ký gửi bán đất rừng, đất ruộng và đất chưa có pháp lý.
Anh Văn Hải, đại diện sàn giao dịch BĐS Tân Vạn cho biết, nhà đầu tư bắt đầu lo lắng và có động thái giảm giá để ra hàng nhanh. Khó khăn nhất hiện nay là các nhà đầu tư liều lĩnh mua đất không giấy tờ, đất rừng, đất nông nghiệp, chưa rõ quy hoạch, giờ bán không ai chịu mua. Nhiều lô đất vườn cằn cỗi, đất rừng lúc cao điểm được mua vào giá 5-7 tỉ đồng/lô nay đang ế chỏng chơ vì không sang nhượng được. Sản phẩm này giá giảm mạnh cả trăm triệu đồng vẫn khó bán.
Không chỉ những người trực tiếp đầu tư đất, dân đầu tư ăn theo dịch vụ này cũng đang khốn đốn vì sóng đầu tư giảm mạnh. Ông Trần Thanh Tuấn, một nhà đầu tư từ Tp.HCM cho biết để đón làn sóng đầu tư đổ về Phú Quốc, ông đã mua lại một lô đất khá lớn gần biển để xây khách sạn. Tuy nhiên, khi khách sạn của ông vẫn còn khá ngổn ngang thì sóng đầu tư đã lùi dần.
Tuy tin tưởng là nhà đầu tư sẽ sớm quay lại với thị trường Phú Quốc nhưng chính bản thân ông Tuấn cũng thừa nhận, trong 1-2 năm tới sẽ khó có “sóng” mạnh như vừa qua. Nếu không có khách, việc kinh doanh khách sạn của ông cũng khó duy trì.
Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, giá đất tại các đặc khu tương lai đang giảm khá mạnh. Số sản phẩm giao dịch thành công giảm khoảng 50% so với thời gian đỉnh điểm.
Cụ thể, tại Phú Quốc, giá đất nền, đất dự án trung bình giảm từ 20-30% so với cao điểm sốt đất. Một lô đất bán ra giảm 200-500 triệu đồng, thậm chí có nhiều lô đã giảm xuống cả tỷ đồng so với giá rao bán lúc cao điểm nhưng người mua vẫn cò kè bớt thêm. Loại hình đất rừng, đất ruộng sang tay, không sổ gần như không còn được giao dịch do không tìm được khách mua vào.
Khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) giá đất cũng sụt giảm mạnh từ 30-50%. Nếu 3 tháng trước, đất thổ vườn tại một số khu vực xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa được hét với giá lên đến hàng tỷ đồng/lô thì nay giảm 50% vẫn không ai mua. Mỗi công đất lúc này rớt giá từ 500 triệu – 1 tỷ đồng tùy từng vị trí.
Một thửa đất 500m2 ở Cửa Cạn trước đây có người trả giá 3 tỷ đồng hiện giảm còn 2,5 tỷ nhưng không có người mua. Đất thổ cư vị trí đẹp ở các khu vực “nóng” như Vương Long, Cái Rồng trước đây dao động từ 40-42 triệu/m2 nay giảm xuống còn 35-38 triệu/m2. Riêng đất chưa có quy hoạch hay ở các khu vực xa hơn thì giá giảm từ 5-7 triệu/m2.
Hiện những nhà đầu tư đất tại các đặc khu đang có xu hướng dịch chuyển ra các xã, huyện, thậm chí các tỉnh lân cận để săn quỹ đất đẹp, đón những đợt sóng có thể trở lại thị trường trong thời gian tới.