Cải tiến biểu giá để cơ cấu phù hợp thực tế
Còn nhớ giờ này năm ngoái, một trong những vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất sau quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân 8,36% (từ ngày 20/3/2019) là sự bất hợp lý của biểu giá điện bán lẻ tiêu dùng 6 bậc thang đang được áp dụng. Đã có không biết bao nhiêu ý kiến từ chuyên gia, người dân và lý giải của các nhà quản lý về điều này.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương mới đây đã có văn bản gửi xin ý kiến về dự thảo quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới với 4 phương án cải tiến được đưa ra (gồm 1 bậc; 3 bậc; 4 bậc và 5 bậc, riêng phương án 5 bậc có 2 kịch bản). Trong đó, Bộ kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 1 của phương án 5 bậc. Cụ thể theo kịch bản 1 của phương án này, giá điện sinh hoạt sẽ bao gồm 5 bậc, trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 – 200 kWh; bậc 3 từ 201 – 400 kWh; bậc 4 từ 401 – 700 kWh và bậc 5 từ 701 kWh trở lên. Bộ Công thương cho rằng, đây là phương án phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện hiện nay.
Trả lời trên báo chí gần đây nhằm làm rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) khẳng định, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này chỉ nhằm điều chỉnh lại cơ cấu cho phù hợp thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng dùng điện, không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân (tức là không làm tăng giá điện như một số nhận định của dư luận gần đây). Cụ thể với đề xuất sử dụng phương án 5 bậc (kịch bản 1), các khách hàng dùng điện dưới 700 kWh/tháng (chiếm 98,2% tổng số hộ dùng điện) sẽ có mức tiền điện không tăng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng biểu giá điện mới. Chỉ những khách hàng dùng từ 701 kWh/tháng trở lên (chiếm 1,7% tổng số hộ dùng điện) mới phải trả tiền điện cao hơn.
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra xin ý kiến, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đồng tình với đề xuất áp dụng phương án 5 bậc, kịch bản 1 của Bộ Công thương. Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, PGS. TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ ông ủng hộ phương án này vì không chỉ không làm thay đổi giá điện sinh hoạt mà còn có xu hướng giảm cho những hộ sử dụng điện ít hơn. “Năm ngoái tôi đã từng ý kiến về việc phân các bậc trong biểu giá điện là chưa hợp lý, đặc biệt là mức quá thấp của bậc đầu tiên (bậc 1 chỉ từ 0-50kWh/tháng) trong khi những thiết bị điện như máy giặt, tivi, bàn là… đều là những thứ đã rất bình thường và cần thiết trong nhu cầu đời sống của người dân hiện nay. Do đó, việc Bộ Công thương đề xuất áp dụng phương án điều chỉnh như vậy thì tôi thấy hợp lý”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nói. Còn với những hộ sử dụng trên 700 kWh/tháng thì tất nhiên sẽ chịu ảnh hưởng vì giá cao hơn, nhưng nó cũng khuyến khích tinh thần tiết kiệm điện, nhất là khi chúng ta sắp bước vào mùa nắng nóng tới đây”.
Điều được hầu hết các chuyên gia chỉ ra là, việc áp dụng phương án 5 bậc (kịch bản 1) này trong khi về tổng thể vẫn giúp giữ nguyên được mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân nhưng đồng thời giúp đảm bảo được mục tiêu của biểu giá điện bậc thang (dùng càng nhiều giá càng cao). Nói cách khác, các hộ thu nhập thấp, nhu cầu sử dụng ít tới vừa phải thì số tiền điện phải trả cũng ít đi và ngược lại. Mức độ chênh lệch của bậc cao nhất và thấp nhất (sau khi đã được gộp bậc) lên tới gấp đôi theo phương án này cũng có thể xem là “đủ mạnh” để người sử dụng thấy được phần thiệt nếu dùng điện quá nhiều, từ đó nâng cao ý thức tiết kiệm hơn.
Không tăng thu từ người dùng?
Theo quy luật về hàng hóa và dịch vụ thông thường của kinh tế thị trường, một nguyên tắc chung là càng tiêu dùng, sử dụng nhiều thì giá phải càng rẻ. Nhưng điện là một hàng hóa đặc biệt, và càng đặc biệt hơn ở những nước đang phát triển như Việt Nam vẫn phải dựa nhiều các nguồn năng lượng không tái tạo (nhất là điện than). Năng lượng tái tạo thì giá thành vẫn không thể rẻ đi nhanh chóng trong ngắn hạn. Sử dụng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn vì thế trở thành logic kinh tế nếu nhìn vào đặc trưng của ngành điện.
Tuy nhiên, theo chuyên gia năng lượng, TS. Ngô Đức Lâm (Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam), để tránh được những phức tạp và bất cập của biểu giá điện 6 bậc trước đây thì 2 mục đích cần đạt được của đề xuất phương án 5 bậc này cần đạt được là: Đảm bảo được tính minh bạch giữa người tiêu dùng (NTD) và nhà sản xuất, cung cấp điện; Đảm bảo dùng điện tiết kiệm, tránh lãng phí trên cơ sở người dùng nhiều phải bù chéo cho người dùng ít.
Chuyên gia này cho rằng, để xây dựng được hệ thống bậc tính giá điện lũy tiến cần đảm bảo các nguyên tắc: Không làm thiệt hại đến doanh thu của ngành điện lực nhưng đồng thời cũng không được tăng thu thêm từ NTD khi tiến hành tính theo lũy tiến; Đảm bảo tổng doanh thu từ điện sinh hoạt khi theo bậc thang cân bằng với tổng doanh thu điện sinh hoạt khi tính theo giá điện bình quân. Bên cạnh đó, một nguyên tắc quan trọng nữa là không được lấy kinh phí Nhà nước hoặc của ngành điện để bù cho những hộ tiêu dùng ít, mà phải lấy từ những NTD nhiều để bù chéo cho những người dùng thấp”, TS. Ngô Đức Lâm nói và nhấn mạnh: “Ý này quan trọng ở chỗ, nếu ngành điện nói ngành điện phải bù là không phải. Nguyên tắc đúng là phải lấy từ những NTD nhiều để bù chéo cho những người dùng thấp chứ ngành điện không bị ảnh hưởng gì cả”.
Dựa trên mục đích và các nguyên tắc trên, TS. Ngô Đức Lâm cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong cách làm là phải xác định được rõ mốc dùng điện hợp lý hiện nay là bao nhiêu. Từ mốc đó, sẽ xác định được những đối tượng khách hàng nào phải trả giá cao hơn và những đối tượng được bù.
Theo phương án biểu giá 5 bậc trong dự thảo hiện nay, ở mức 201 kWh thì giá đã tăng lên hơn mức bình quân rồi – trong khi mức đó vẫn đang ở mức thấp vì hiện nay, tỷ lệ hộ dùng 300-500 kWh rất phổ biến và thuộc dạng bình thường (có điều hòa, tủ lạnh, tivi… nhưng không giàu, cũng không nghèo). Với nhóm khách hàng này, giá điện chỉ nên bán bằng giá điện bình quân, chỉ những hộ dùng cao hơn mức đó mới cần phải trả tiền cao hơn giá bình quân. Do đó, “xác định được định mức bao nhiêu là tương đương giá điện bình quân là rất quan trọng để xây dựng các bậc lũy tiến hợp lý. Và nếu giải quyết được những vấn đề đó thì xã hội và dư luận sẽ rất đồng thuận”, chuyên gia này đề xuất.
Đỗ Lê