Thống kê tại 21 ngân hàng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 15/21 ngân hàng tăng chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm ngoái. Dự phòng rủi ro tín dụng của 21 ngân hàng này lên đến 31.821 tỷ đồng, “ngốn” 42% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Trong đó, có 6 ngân hàng phải trích chi phí dự phòng rủi ro tới hơn 50% lợi nhuận, thậm chí có ngân hàng trên 90% .
BIDV là ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất. Mặc dù nợ xấu giảm so với đầu năm, nhưng khối nợ xấu tại BIDV vẫn đang lớn nhất trong hệ thống với hơn 13.800 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, BIDV phải trích tới hơn 10.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, chiếm đến 67% lợi nhuận (15.044 tỷ đồng).
Dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt tới 15.044 tỷ đồng, dẫn đầu trong các ngân hàng nhưng sau khi trừ đi dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ còn hơn 5.000 tỷ, xếp thứ 4 và bị Techcombank tạm “vượt mặt”.
Cùng với BIDV còn có VPBank, VietinBank, SCB, VietABank và PGBank trích lập dự phòng hơn nửa lợi nhuận kiếm được trong nửa đầu năm nay.
Tại VPBank, chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 5.400 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Trong đó phần của ngân hàng mẹ là 1.800 tỷ, còn lại đến từ công ty Fe Credit 3.600 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2018, nợ xấu của Ngân hàng hợp nhất là 3,47%, trong đó phần của Ngân hàng là 2,71%. Ngân hàng cũng còn gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC và đang hạch toán theo cơ chế hạch toán trích lập dự phòng 20% mỗi năm.
6 tháng đầu năm, các hoạt động kinh doanh của SCB tăng trưởng cao, ghi nhận lợi nhuận thuần đạt 1.977 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro cũng tăng vọt 3,6 lần lên 1.852 tỷ đồng, chiếm 94% lợi nhuận thuần. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại ngân hàng này hiện đang được giữ ở mức thấp, chỉ 0,51% nhưng SCB lại đang có khoản phải thu và lãi dự thu lên tới 79.736 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Một số ngân hàng cũng đã tăng trích lập dự phòng thêm nhiều lần so với cùng kỳ như Sacombank (tăng 6 lần), OCB (tăng 4 lần) và VietBank (tăng 14 lần). Tại Sacombank, sau năm 2017 xử lý được hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu, nửa đầu năm 2018 tiếp tục rốt ráo xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng. Chỉ trong vòng nửa năm, khoảng 40 Nghị quyết, Quyết định của HĐQT đã được thông qua liên quan tới xử lý nợ xấu. Ngân hàng cho biết đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nợ xấu tại ngân hàng này cũng đã giảm từ mức 4,28% cuối năm 2017 xuống còn 3,3% và dự kiến giảm xuống dưới 3% cuối năm nay. Đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, Sacombank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro lên tới 514 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Chi phí dự phòng năm ngoái chỉ chiếm 13% lợi nhuận thuần thì năm nay lên tới 34%.
Ngoài những ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng, một số khác lại giảm (Techcombank, ACB, Eximbank, LienVietPostBank, BacABank, SHB), nhờ đó kéo lợi nhuận trước thuế lên cao. 6 tháng đầu năm chi phí dự phòng rủi ro của Techcombank chỉ hơn 1.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái do ngân hàng đã có được khoản hoàn nhập dự phòng cho khoản phải thu từ các hợp đồng bán nợ lên tới 725 tỷ đồng. Techcombank hiện cũng là 1 trong 3 ngân hàng (còn có Vietcombank và MB) đã hoàn tất việc xóa sạch nợ xấu tại VAMC. Nhờ việc xóa sạch 3.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, ngân hàng sẽ không phải lo trích lập dự phòng 20% mỗi năm cho các khoản nợ đó.