Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lo lắng nhất của ngành du lịch hiện nay là tăng trưởng du lịch có bền vững, để bền vững phụ thuộc vào chính sách sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thế nào.
Kém cạnh tranh
Theo đó, ông Bình cho biết ngành du lịch hiện có 2 nhóm khách là khách tour và khách lẻ, trong đó lượng khách lẻ ngày càng tăng mạnh. Để thu hút lượng khách lẻ tới Việt Nam, các DN phải cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chính sách cấp visa lại đang gây trở ngại cho các DN Việt.
Về chính sách miễn visa, Thái Lan miễn 67 nước, Indonesia miễn 168 nước, Singapore miễn 159 nước…, trong khi Việt Nam mới chỉ dừng ở con số 24 nước. Điều này làm cho DN khó thu hút khách quốc tế, khi họ đi vào các nước trên dễ dàng hơn Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai làm visa điện tử, tuy nhiên, ông Bình cho rằng visa điện tử là vẫn làm visa chứ không phải miễn visa. Cần phải có chính sách miễn visa để khách cần là đi ngay, đến lúc nào thì đến.
“Thực tế, thủ tục cấp visa hiện nay còn lạc hậu theo kiểu mỗi năm cấp một lần cho 5 nước Tây Âu chẳng hạn. Tour đặt trước một năm thì làm sao khách dám đặt, dẫn tới chúng ta mất cơ hội. Hay chuyện khách vào Việt Nam, sau đó ra nước ngoài, muốn quay trở lại phải chờ bao nhiêu ngày mới được nhập cảnh”, ông Bình dẫn chứng.
Theo đó, ông Bình cho rằng visa là một trong điểm nghẽn trong phát triển du lịch. Muốn tăng lượng khách tới Việt Nam, phải mở visa, hãy học tập những nước xung quanh để làm những việc có thể làm được.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Viettravel, khẳng định chính sách miễn thị thực cho nhóm khách hàng trên được công bố từng năm đang là thách thức cho DN du lịch và khách. Kế hoạch kinh doanh của DN thường theo chiến lược trung hạn 3 – 5 năm. Khách châu Âu cũng có thói quen đặt tour từ 6 tháng đến 1 năm trước khi khởi hành… Chính sách theo từng năm rất hồi hộp cho cả hai.
“Chính sách miễn thị thực chỉ có giá trị một năm, năm sau sẽ công bố lại, không đủ để DN Việt Nam chủ động, tổ chức thị trường, quảng bá phát triển sản phẩm mới”, ông Kỳ nói.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký của Hội đồng Tư vấn Du lịch, cho biết chính sách visa điện tử của Việt Nam đã được các công ty du lịch và chuyên gia đánh giá là có bước tiến bộ khi đến nay đã có 46 nước được cấp visa điện tử.
Tuy nhiên, việc thực hiện visa điện tử vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách vì đòi hỏi thời gian ít nhất là 3 ngày thì du khách mới nhận được. Do đó, nếu miễn thị thực thì sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách cũng như thúc đẩy thương nhân đến Việt Nam.
Phân tích cụ thể, ông Chính cho biết chính sách thị thực của Việt Nam còn gây khó khăn cho khách du lịch khi chỉ miễn thị thực trong 15 ngày. Thời gian công bố miễn thị thực thiếu bài bản, áp dụng từng năm một.
Đặc biệt, có một quy định mà chỉ Việt Nam mới có như “mỗi một lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”. Đây là quy định khá lạ lùng. Trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore miễn thị thực cho nhiều quốc gia trên thế giới.
“Các quốc gia miễn thị thực cho du khách 30-90 ngày và công bố chính sách trước 6 tháng và áp dụng 3-5 năm chứ không như Việt Nam. Các nước ASEAN xem chính sách này như đòn bẩy để thúc đẩy khách quốc tế đến với nước họ”, ông Chính cho biết.
Lợi ích không chỉ là nguồn thu
Trên thực tế có nhiều nguyên nhân khiến con số các quốc gia được miễn visa ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhưng một trong những nguyên nhân căn cơ có thể xuất phát từ nguồn thu ngân sách.
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2017 và con số này có thể đạt khoảng 13 triệu lượt vào năm nay. Trong đó, khoảng 50% số người nước ngoài đến Việt Nam thuộc diện được miễn thị thực. Nếu làm một phép tính đơn giản, bình quân mỗi khách quốc tế đóng phí thị thực là 25 USD, tổng số tiền thu được từ nguồn này trong năm 2017 có thể là 162,5 triệu USD.
Vì vậy, ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, cho rằng miễn visa du lịch là một trong những việc gặp khó khăn, trắc trở nhất trong các chính sách du lịch mấy chục năm qua. Ngành du lịch muốn mở rộng diện miễn visa, một số ngành khác lại muốn thu hẹp, thậm chí xóa bỏ hẳn chính sách này vì ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, ông Nam nhìn nhận lợi ích không chỉ nằm ở thu ngân sách. Chẳng hạn nếu thêm được 1 triệu du khách quốc tế, Việt Nam thu được 1 tỷ USD từ tiền khách sạn, ăn uống, tham quan, chưa tính tiền vé máy bay, tiền bán hàng hóa.
“Vì thế tiếc gì 25 triệu USD tiền làm phí visa (nếu miễn) để có được thêm 1 triệu du khách và 1 tỷ USD doanh thu du lịch. Muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến. Muốn có nhiều khách hàng đến chỗ mình mua hàng, tiêu tiền thì chỗ mình phải dễ đến”, ông Nam nhấn mạnh.
Báo cáo tác động của việc miễn thị thực tại các nước ASEAN của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cũng cho thấy việc miễn thị thực sẽ làm số khách du lịch tăng thêm 3 – 5,1% và số việc làm trực tiếp trong xã hội tăng thêm 1,6 – 3,1%.
Theo ông Bình, miễn thị thực sẽ thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế. Cấp thị thực điện tử chỉ là công cụ để thực hiện nhanh hơn, dễ hơn cho du khách chứ không thể thay thế được việc miễn thị thực, đồng thời cũng không thể hiện rõ sự mong muốn hội nhập của Việt Nam với thế giới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh với thị trường khách du lịch ở xa, số lượng du khách tuy không đông như ở những khu vực gần nhưng thời gian lưu trú dài ngày (ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng) và mức chi tiêu cao, đem lại lợi ích lớn không chỉ cho ngành du lịch mà cả những ngành nghề khác. Chính vì vậy, chính sách về thị thực nếu được tháo gỡ sẽ tạo ra đột phá cho du lịch Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nên ưu tiên phát triển các thị trường có mức chi tiêu bình quân lượt khách cao trên 1.300 USD như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nga… bằng cách mở rộng chính sách miễn visa. Đồng thời mở rộng danh sách được cấp visa điện tử cho các nước Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Bỉ và Ấn Độ. Nếu chậm hoặc không thực hiện các giải pháp trên thì hướng phát triển du lịch sẽ lệch lạc.