Theo một số doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Hà Nội, sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội được công bố, các công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh thê thảm chưa từng có. Doanh thu bị sụt giảm 60-80%, nhân sự bị cắt giảm lương, nghỉ việc luân phiên, nghỉ phép dài hạn không lương…
Chị Minh Ngọc, nhân viên một công ty du lịch lữ hành có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết. Khó khăn chồng chất, buộc ban lãnh đạo công ty này phải cắt giảm 50% lương của cán bộ nhân viên.
Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết: “Doanh nghiệp có 30 nhân sự và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19. Từ lúc có dịch, toàn bộ tua đi Trung Quốc bị hủy, rồi tua đi Hàn Quốc, Nhật Bản, nay đến châu Âu cũng hủy tiếp. Một nửa nhân viên nghỉ việc nhưng công ty vẫn hỗ trợ lương để chia sẻ khó khăn với nhân viên. Một số ít nhân viên vẫn làm nhưng chủ yếu hỗ trợ visa cho khách”.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel chia sẻ, các khách sạn của bà chủ yếu phục vụ khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Suốt 2 tháng nay, 4/9 trong chuỗi khách sạn đã không hoạt động vì vắng khách. Nhân viên các khách sạn đã lâm vào cảnh phải nghỉ việc nhận lương thất nghiệp hay hỗ trợ .
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch trên cả nước chỉ tính trong 2 tháng đầu năm đã thiệt hại khoảng 7 tỷ USD vì dịch bệnh. Các chủ doanh nghiệp sẽ phải rất khó khăn để có thể cầm cự và duy trì hoạt động để không bị phá sản, chờ đến khi tình hình khởi sắc trở lại.
Nhân viên môi giới BÐS đi bán bảo hiểm
Thị trường bất động sản (BĐS) vừa khó khăn lại thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa, nhân viên môi giới nghỉ việc hàng loạt và phải đổi nghề như học bán bảo hiểm. Anh Minh Kha, nhân viên môi giới một sàn giao dịch BĐS lớn ở Hà Nội chia sẻ: “Thời điểm sau Tết, toàn bộ hoạt động của công ty nơi anh làm việc đều tê liệt. Mỗi ngày nhân viên vẫn đến công ty đều đặn nhưng không có việc để làm. Đa phần môi giới chỉ đến công ty cho vui, một số ngồi xem phim cả ngày vì không có sự kiện, không có sản phẩm, cũng không có khách hàng hỏi mua đất/nhà trong thời điểm dịch bùng phát”.
Anh Kha cho biết, vì sốt ruột muốn kiếm tiền nên anh và nhiều đồng nghiệp khác liên tục gọi điện, nhắn tin cho các mối quen để giới thiệu các sản phẩm căn hộ trên thị trường thứ cấp nhưng hầu hết khách hàng đều từ chối gặp mặt do lo sợ lây nhiễm dịch. “Tôi chưa bao giờ thấy khó khăn như hiện nay. Cả mấy tháng không có đồng thu rồi. Tôi cố gắng cầm cự đến hết tháng 3 rồi sang tháng 4 sẽ chuyển sang nghề khác”, anh Kha nói.
Còn chị Thu Nga, nhân viên một sàn giao dịch BĐS cho biết: “Sàn đang đóng cửa, tôi chuyển hướng sang tư vấn bán bảo hiểm. Nhiều đồng nghiệp như tôi giờ cũng phải xoay vậy ”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện tại có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa vì dịch bệnh khiến các doanh nghiệp “nằm im”.
Ngọc Mai