Ngày 9.7, tỉ giá trung tâm niêm yết ở mức 22.632 đồng, giảm 6 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỉ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.311 đồng/USD và tỉ giá sàn là 21.953 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỉ giá được niêm yết ở mức 23.150 – 23.180 VND/USD (mua vào – bán ra). Tại Vietcombank, tỉ giá niêm yết ở mức 22,995 – 23,065 VND/USD (mua vào – bán ra).
Dự báo về tỉ giá hối đoái từ nay đến cuối năm, chuyên gia của MBS cho biết, “USD nhiều khả năng sẽ giữ xu hướng đi lên nhẹ trong nửa cuối năm 2018 khi nền kinh tế Mỹ phục hồi song với tốc độ chậm (với dự báo tăng trưởng GDP 2,5% và thị trường lao động lành mạnh) khiến FED tiếp tục lộ trình bình thường hóa lãi suất. Điều này khiến sức ép lên VND không quá mạnh và do đó, chúng tôi đánh giá NHNN sẽ chỉ tăng nhẹ tỉ giá VND/USD thêm từ 1-1,5% trong nửa cuối 2018 nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,57 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2018 tạo thêm dư địa cho ổn định tỉ giá tại Việt Nam”.
Nhận định về tình hình tỉ giá trong 6 tháng đầu năm, các chuyên gia của MBS cho rằng, tỉ giá VND/USD diễn biến tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2018 với mức tăng 1,1%. Sau khi giữ ổn định trong suốt 5 tháng đầu năm, tỉ giá VND/USD tăng khá nhanh trong tháng 6 và tuần đầu tháng 7. NHNN áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỉ giá trung tâm và bắt đầu can thiệp vào thị trường bằng việc bán ra USD trong các ngày đầu tháng 7 để ổn định tâm lý thị trường. Áp lực lên tỉ giá VND/USD trong 6 tháng đầu năm có tăng lên khi USD có xu hướng tăng trên thị trường toàn cầu (USD index tăng từ mức 91.67 điểm lên mức 94,22 điểm), tuy nhiên cũng không quá mạnh.
Theo các chuyên gia, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED tiếp tục diễn ra theo lộ trình sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của USD song không đáng quan ngại do thông tin trên đã được thị trường phản ánh từ trước. Tỉ giá VND/USD giao dịch tại các NHTM đang đứng ở mức 23,070.
Dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì ở mức khá (63,5 tỉ USD), khi NHNN đã kịp thời mua vào 11 tỉ USD trong năm 2018 tạo điều kiện giữ ổn định tỉ giá. Trong năm 2018, NHNN đã lường trước được biến động tăng giá của USD do đó hoàn toàn chủ động trong việc điều hành tỉ giá linh hoạt trong biên độ an toàn.
Chuyên gia của MBS cho biết, NHNN vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Trong khi đó, lãi suất huy động VND vẫn được giữ ổn định kể từ đầu năm. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỉ giá VND/USD hợp lý. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2018 tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối và các thương vụ bán vốn tại các công ty nhà nước đạt mức 63,5 tỉ USD. Nhiều khả năng dự trữ ngoại hối sẽ giảm nhẹ vào cuối 2018 khi NHNN phải bán ra ngoại tệ để can thiệp giữ ổn định tỉ giá.
“Hiện tại, dự trữ ngoại hối đã đạt hơn 3 tháng nhập khẩu và cao hơn đáng kể so với mức nợ ngoại tệ ngắn hạn của nền kinh tế là 21,9 tỉ USD do đó chúng tôi đánh giá rủi ro tỉ giá tăng mạnh là khá thấp” – một chuyên gia cho biết.
Trước đó, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết “NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỉ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung-cầu thị trường có vấn đề, đảm bảo thị trường ngoại tệ được thông suốt. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng trên 11 tỉ USD, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên khoảng trên 63,5 tỉ USD”.