Chiều 2/4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3. Khi được hỏi sau khi GDP tăng trưởng tích cực trong quý I, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản, trong đó, tốc độ tăng GDP giảm dần về cuối năm. Vậy cơ sở nào dự báo như vậy, khi nhiều năm qua, GDP luôn có thông lệ quý I thấp nhất sau đó tăng dần quý III, IV? Chỉ có 2008 khủng hoảng tài chính mới có kịch bản GDP giảm dần như vậy, liệu có đột biến gì không?
Trước câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, năm nay quý I tăng cao do đà tăng mạnh quý III, IV năm ngoái. Do đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục là không đơn giản. Nếu so sánh quý I/2017, khi tăng trưởng thấp chỉ khoảng trên 5,15%, nên tốc độ tăng trưởng quý I năm nay sẽ có cơ hội cao hơn. Còn có tốc độ cao rồi, nếu so với nền cao như các quý III, IV năm ngoái thì quý III, quý IV/2018 sẽ khó tăng cao như quý I vừa rồi.
Nguyên nhân nữa là trong năm 2017, ta có một số yếu tố tăng đột biến, có đóng góp tích cực vào mức tăng chung ở các quý sau như Samsung, Formosa, khi các nhân tố hoạt động có đóng góp tốt cho tăng trưởng.
Nhưng năm 2018 này, quý I, chúng ta đã huy động cơ bản tốt cả 3 lĩnh vực phục vụ tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay các nhân tố cho sự tăng trưởng đột biến cuối năm nay chưa thể hiện rõ, nên tính toán phải dựa trên số liệu thực tế.
Tăng trưởng GDP quý I trong vòng 10 năm qua.
“Dù bối cảnh quốc tế và trong nước nhiều thuận lợi nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chu kỳ biến động tăng trưởng kinh tế quốc tế sau 10 năm cũng có thể có suy thoái. Hơn nữa, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lớn lên điều hành tỷ giá, lãi suất trong nước. Với rủi ro tiềm ẩn, Chính phủ đã thông qua kịch bản theo hướng duy trì tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành, sao cho duy trì tăng trưởng bảo đảm bền vững, không chỉ trong năm nay mà cả các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trước đó, thông tin với báo chí về tình hình kinh tế quý I/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đánh giá kịch bản 1 (tăng trưởng 6,7%) là mục tiêu tương đối khả thi với điều kiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP và bối cảnh có nhiều thuận lợi, nền kinh tế không bị tác động lớn do những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới. Trong khi đó, kịch bản 2 (tăng trưởng 6,8%) là kịch bản phấn đấu để các ngành, các cấp nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi cả ở trong nước và quốc tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực chính và đạt tốc độ tăng trưởng cao.
“Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.