Giá tăng, nhu cầu mua vẫn lớn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong năm 2019, tại TP.HCM có rất ít dự án mới được triển khai, dù Thành phố đã “cởi trói” cho 124 dự án vướng pháp lý. Trong những tháng đầu năm 2020, số dự án mới được triển khai trên địa bàn TP.HCM cũng gần như vắng bóng.
Sự khan hiếm của nguồn cung dự án mới, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn cao, nên các dự án sắp bàn giao hút khách và giá cũng được đẩy lên cao.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện trên địa bàn TP.HCM chỉ có khoảng 15 dự án sẽ bàn giao nhà trong năm 2020. Trong đó, TTC Land bàn giao 2 dự án, Thủ Đức House bàn giao 2 dự án, Tập đoàn Hưng Thịnh bàn giao 3 dự án, Tập đoàn Hà Đô bàn giao 1 dự án… Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư lớn như Tập đoàn Novaland, Him Lam Land… không có dự án bàn giao.
Anh Võ Văn Mết, hiện thuê trọ quận Thủ Đức, TP.HCM đang tìm mua căn hộ chung cư quanh khu vực này cho biết, sau 1 tháng tìm kiếm, anh quyết định chọn mua căn hộ Phú Đông Premier tại đường Phạm Văn Đồng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bên kia đường là quận Thủ Đức.
Anh Mết cho biết, lý do chọn căn hộ Phú Đông Premier dù dự án này có giá cao hơn giá gốc lúc mở bán của chủ đầu tư (năm 2016) hàng trăm triệu đồng là bởi, khu vực này hiện không có dự án mới mở bán, trong khi dù đã tăng hơn 300 triệu đồng so với giá gốc, nhưng vẫn còn rẻ hơn một dự án đang làm móng được mở bán năm 2019.
“Tôi quyết định mua căn hộ chung cư này vì nhận thấy chất lượng công trình đảm bảo. Dự án cũng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và chủ đầu tư cam kết đảm bảo thời gian giao nhà đúng hạn”, anh Mết nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Địa ốc Phúc Đông Group, chủ đầu tư dự án Phú Đông Premier cho biết, dự án đã bán hết hàng từ năm 2017, các giao dịch mua bán tại dự án hiện nay đều là giao dịch thứ cấp và số lượng này không còn nhiều, bởi 90% người mua nhà tại dự án là người có nhu cầu ở thực.
“Trong tháng 2 qua, chúng tôi đã làm thủ tục giao dịch cho gần 30 khách hàng bán lại căn hộ”, bà Thảo nói.
Tương tự, tại dự án chung cư mang tên Moonlight Boulevard trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để bàn giao nhà cho khách hàng, cũng là điểm nhắm tới của khách hàng mua nhà hiện nay.
Chị Lê Thúy Hằng, một khách hàng vừa bán căn hộ tại dự án này cho biết, năm 2016, dự án được chủ đầu tư là Tập đoàn Hưng Thịnh Corp bán ra thị trường với giá 1,6 tỷ đồng/căn, vừa rồi chị bán lại với giá 2,7 tỷ đồng/căn. Tuy giá tăng, nhưng nhu cầu mua rất cao.
“Chỉ cần có nhu cầu bán lại căn hộ là có người hỏi mua ngay. Nhà tôi khi chào bán rao mức giá 2,7 tỷ đồng, nhưng khách tới sau chấp nhận trả thêm 30 triệu đồng với khách trước để có thể mua được nhà. Chưa bao giờ thị trường chuyển nhượng nhà lại sôi động như hiện nay”, bà Hằng cho biết.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh Corp cho biết, thị trường chuyển nhượng căn hộ dự án thứ cấp khá sôi động, nhưng hiện không có nhiều dự án sắp được bàn giao, vì vậy, thị trường này còn sôi động hơn trong thời gian tới và giá sẽ tiếp tục tăng lên.
Nghịch lý giá nhà
Ông Nguyễn Văn Thắng, giảng viên Khoa Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM đang có một nghịch lý về giá nhà. Đó là mức giá nhà hình thành trong tương lai, nghĩa là nhà chưa được xây dựng lại cao hơn nhà đã xây xong rồi mới bán.
Ông Thắng ví dụ, trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, năm 2019, một dự án chung cư của Tập đoàn Novaland đã bước vào giai đoạn bàn giao nhà có giá 55 triệu đồng/m2 (tăng 37,5% so với giá lúc mới mở bán), trong khi tháng 8/2019, một dự án của Công ty Phúc Khang mở bán sản phẩm hình thành trong tương lai có giá thấp nhất là 70 triệu đồng/m2.
“Ta biết rằng, thường khi nhà đã hoàn thiện sẽ có nhiều lợi thế hơn những dự án chưa xây dựng và độ rủi ro thấp hơn, nên giá cao hơn, nhưng thị trường TP.HCM hiện nay đang bị đảo ngược”, ông Thắng nói.
Lý giải về nghịch lý giá nhà này, ông Thắng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, đơn cử như việc dự án sau được quảng cáo có nhiều tiện ích hơn, thiết kế và nội thất đẹp, chất lượng hơn.
Ngoài ra, để tính giá nhà bán ra còn phải dựa vào các chi phí như vật liệu xây dựng, thuế đất, nhân công, tới quảng cáo và chi phí hoa hồng… Các khoản tiền này phát sinh tăng hàng năm, nên buộc doanh nghiệp phải căn cứ vào chi phí để đưa ra mức giá phù hợp.
Còn theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty DKRA Vietnam, trong vòng 5 năm qua, giá nhà tại TP.HCM tăng dựng đứng. Cụ thể, năm 2015, giá căn hộ hạng cao cấp khoảng 45 triệu đồng/m2, nhưng năm 2019 khoảng 70 – 80 triệu đồng/m2; căn hộ trung bình giá khoảng 21 triệu đồng/m2, thì đến nay tăng lên bình quân khoảng 36 triệu đồng/m2; căn hộ giá rẻ năm 2015 khoảng 16 triệu đồng/m2, nay đã lên 25 triệu đồng/m2.
Đối với phân khúc đất nền, giá còn tăng mạnh hơn khi trong vòng 5 năm qua đã tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%. Điều đáng nói, hiện nay, phân khúc căn hộ xã hội gần như vắng bóng trên thị trường. Năm 2016, phân khúc căn hộ xã hội chiếm khoảng 30% nguồn cung trên thị trường, thì đến năm 2018 chỉ còn khoảng 17% và đến nay gần như biến mất khỏi thị trường.
“TP.HCM công bố không tăng bảng giá đất mới trong giai đoạn 2020 – 2025, nhưng ghi nhận các dự án thông báo mở bán gần đây, giá vẫn tăng phi mã. Điều này là hết sức vô lý và cần có biện pháp kiềm chế từ phía cơ quan chức năng để giá nhà được ổn định”, ông Lâm nói.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, nếu tính toán, xem xét xu hướng giá nhà hiện nay thì khách hàng khôn ngoan sẽ mua nhà tại dự án sắp bàn giao. Tuy nhiên, lượng hàng hiện hữu ở các dự án này không nhiều. Để giải quyết vấn đề giá nhà tăng quá cao, chỉ còn duy nhất giải pháp đó là cơ quan chức năng cần có biện pháp giải quyết các dự án đang chờ cấp phép xây dựng, khi nguồn cung dồi dào, giá nhà sẽ được hãm phanh.
Gia Huy