Năm 2017, Quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) – quỹ đầu tư lớn nhất vào lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam do Dragon Capital quản lý đã có một năm hết sức thành công với mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) lên đến 60%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quỹ đầu tư đang hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mức tăng trưởng ấn tượng trên có được là do các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ như MWG, VNM, ACB, ACV, VJC hay MBB đều có mức tăng trưởng từ 50-100% so với năm 2016.
Để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho năm 2018 cũng như các năm tiếp theo, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường này đã có khá nhiều các giao dịch mua/bán với giá trị lớn để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Theo các thông tin được Dragon Capital công bố, các khoản mua vào đáng chú ý nhất của VEIL gồm có VinHomes (VHM), Sabeco (SAB), Masan Group (MSN), PNJ, CEN Land, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)…
Trong đó, đáng kể nhất là khoản đầu tư thêm vào Sabeco trong tháng 3 và khoản đầu tư mới vào VinHomes cuối tháng 5 với giá trị giải ngân cho mỗi khoản đầu tư vào khoảng 80 triệu USD. Tính đến cuối tháng 5, hai khoản đầu tư này đã chiếm tới 11% NAV của quỹ.
Do là quỹ đóng không thể gọi thêm vốn từ nhà đầu tư nên để có tiền mua vào những khoản đầu tư lớn trên, VEIL đã phải bán bớt khá nhiều khoản đầu tư khác.
Theo ước tính của chúng tôi, VEIL đã bán bớt một lượng lớn các cổ phiếu có thị giá cao như Vinamilk (3,5 triệu cổ phiếu), ACV (3 triệu cổ phiếu), GAS (5 triệu cổ phiếu), VJC (2 triệu cổ phiếu), VCI (3 triệu cổ phiếu) cùng với khoản 15 triệu cổ phiếu MBB và 10 triệu cổ phiếu HSG. Nhìn chung đây đều là những khoản đầu tư đã mang về mức lợi nhuận cao và có tỷ trọng lớn trong danh mục của VEIL nên việc quỹ bán bớt để tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cũng là điều dễ hiểu.
Tính đến cuối tháng 5/2018, 10 khoảng đầu tư lớn nhất chiếm đến 50% NAV của VEIL. Đây đều là những cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường như VHM, VNM, SAB, HPG, ACV…
Tính đến 31/5, danh mục của VEIL chỉ còn tăng vỏn vẹn 0,85% so với cuối năm 2017, đạt 1,57 tỷ USD, tương ứng 7,12 USD/chứng chỉ quỹ. Tuy vậy trong tuần đầu tiên của tháng 6, trong xu hướng hồi phục chung của thị trường, NAV của VEIL đã tăng trở lại 100 triệu USD lên 1,67 tỷ USD vào ngày 8/6 – vẫn kém 200 triệu USD so với mức đỉnh đạt được vào ngày 9/4.
GAS và VJC đã nhường chỗ cho SAB và VHM trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL. Từng là cổ phiếu “trụ cột” trong suốt một thời gian dài, hiện VNM chỉ chiếm vị trí khiêm tốn trong danh mục của quỹ.
Nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng áp đảo
Sau hàng loạt động thái cơ cấu danh mục trong thời gian vừa qua, hiện nhóm bất động sản đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VEIL, đạt 28,5% NAV. Tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngân hàng với 20% và nhóm thực phẩm đồ uống với 15,6%. Tại thời điểm đầu năm, bất động sản chỉ là nhóm ngành đứng thứ 3 với tỷ trọng chỉ 17%.
Danh mục của VEIL có hầu hết các cổ phiếu bất động sản lớn như VinHomes, Khang Điền, Đất Xanh, CEN Land, Hải Phát, Kinh Bắc City, Hà Đô…
Cơ cấu danh mục của VEIL tại thời điểm cuối tháng 5/2018
Cơ cấu danh mục của VEIL vào đầu năm 2018