Lo ngại trên không phải là không có cơ sở khi mà ngay sau động thái tăng lãi suất đầu tiên hồi tháng 3 của Fed, nhiều nền kinh tế châu Á đã lao đao do đồng nội tệ sụt giảm mạnh vì dòng vốn chảy ra. Tính chung từ đầu năm đến nay, đồng peso của Philippines đã mất giá khoảng 7% so với đồng USD và hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 12 năm qua; đồng rupee của Ấn Độ cũng giảm tương tự, trong khi đồng rupiah của Indonesia giảm khoảng 5%… cho dù NHTW các nước này đã phải tăng lãi suất để hỗ trợ cho đồng nội tệ.
Lo ngại càng lớn khi thị trường chứng khoán trong nước liên tục đỏ lửa, mất điểm mà nguyên nhân một phần cũng bởi động thái bán ròng của khối ngoại.
Thế nhưng phân tích sâu bản chất của sự việc mới thấy, không nên quá lo lắng. Quả vậy, nhìn lại các nền kinh tế có đồng nội tệ giảm mạnh đều có mức thâm hụt cán cân vãng lai lớn, kéo theo đó là khả năng chống đỡ với các cú sốc từ bên ngoài suy giảm.
Trong khi nhiều nền kinh tế châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan… do cán cân vãng lai thặng dư khá lớn nên đồng tiền của họ vẫn “vững vàng trước bão”. Thậm chí giới chuyên gia còn cho rằng, mức giảm nhẹ của đồng won Hàn Quốc hay đồng bath Thái còn có lợi có các nền kinh tế này khi có tác dụng kích thích xuất khẩu, một yếu tố vô cùng quý giá trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang dâng cao.
Với nền kinh tế Việt Nam, cán cân vãng lai cũng thặng dư khá lớn, gần 6,42 tỷ USD trong năm 2017 và tiếp tục thặng dư hơn 3,93 tỷ USD trong quý đầu năm. Điều đó đã góp phần giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư tới 12,54 tỷ USD trong năm ngoái và tiếp tục thặng dư 7,27 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng liên tục lập kỷ lục mới và hiện đã lên tới 64 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Đó chính là bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế chống đỡ lại các cú sốc từ bên ngoài. Trên thực tế thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước tiếp tục được duy trì ổn định cho dù đồng USD trên thị trường thế giới liên tục biến động mạnh. Hãng tin Bloomerg đã đánh giá VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực trong năm 2017. Trong khi tính chung từ đầu năm, VND cũng chỉ giảm giá khoảng 0,5% so với USD, một mức độ rất thấp so với nhiều đồng tiền trong khu vực và sự giảm nhẹ của đồng nội tệ cũng đang hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu.
Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, tỷ giá ổn định là một trong những lý do để Fitch Ratings mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB từ mức BB-. Tiếp đó, tổ chức này cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm cho khá nhiều ngân hàng trong nước cho thấy niềm tin đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Còn với thị trường chứng khoán, động thái bán ròng của khối ngoại vừa qua chỉ đơn thuần là hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư chứ không phải rút vốn hoàn toàn khỏi Việt Nam. Quả vậy với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6,5%, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và cả trên thế giới. Trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Việc chưa có định chế tài chính lớn nào dự báo tốc độ tăng trưởng GDP 5 năm tới của Việt Nam dưới 6,5% cho thấy, họ tin tưởng vào khả năng phát triển của Việt Nam. Minh chứng rõ nét là đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam, kể cả trực tiếp hay thông qua con đường M&A hay qua thị trường chứng khoán.
“Đó là cơ hội đầu tư vì ở một đất nước GDP tăng trưởng 6,5% cho thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam đang tốt”, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCKNN khẳng định.