Trên toàn cầu, làn sóng rút vốn khỏi khu vực các thị trường mới nổi đang diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất đủ 4 lần năm 2018; lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng mạnh trong tháng 3 lên mức cao nhất 3,1%/năm và hiện đang neo quanh mức 2,9%năm; chưa kể chỉ số đo sức mạnh đồng USD cũng leo dốc.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), dòng vốn nước ngoài đã rút ra rất mạnh khỏi các quốc gia có cán cân thương mại thâm hụt và tỷ giá dễ bị biến động như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Indonesia, Brazil, Ấn Độ… Diễn biến này đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 – 5 vừa qua. Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 11.700 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn với các cổ phiếu trụ cột bị bán mạnh như VIC, VNM, VCB, HPG…
Tuy nhiên, theo ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Phân tích chiến lược MBS, sang tháng 6, khối ngoại đã mua ròng trở lại và nhiều khả năng có thể duy trì tới hết tháng, tác động tích cực tới diễn biến giá cổ phiếu và tâm lý của nhà đầu tư nội.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợt kết quả của cuộc họp vào ngày 12/6 của Fed và ngày 14/6 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Theo dự báo của các chuyên gia, việc Fed tăng lãi suất gần như chắn chắn và thị trường đã phản ánh yếu tố này trong thời gian vừa qua. Điều nhà đầu tư chờ đợi là nội dung chi tiết của cuộc họp để đoán biết những lần tăng lãi suất sắp tới, nhằm chuẩn bị kịch bản cho giai đoạn tiếp theo. Do vậy, xu hướng dòng vốn ngoại sẽ trở nên rõ ràng hơn sau 1 tuần nữa, khi đã có đầy đủ các thông tin.
Thực tế, động thái quay trở lại mua ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây đã củng cố tâm lý cho thị trường, song chuyển biến của dòng vốn trong thời gian tới vẫn đang là một ẩn số, bởi còn phụ thuộc cơ cấu các quỹ ETF, trong đó có nguồn tiền không nhỏ từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Ông Lê Anh Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) nhận định, dòng tiền ngoại trong trung và dài hạn sẽ có chuyển biến tích cực, tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành có yếu tố hỗ trợ.
“Quy mô vốn hóa 139,8 tỷ USD – nhỏ nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á thuộc diện so sánh, nhưng hoạt động của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam nhộn nhịp bậc nhất. Với các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực, điều kiện kinh doanh ngày càng thông thoáng, dòng tiền đầu tư trung hạn vẫn bị hấp dẫn bởi thị trường Việt Nam”, ông Minh nói và cho biết thêm, bên cạnh khối ngoại, dòng tiền trong nước dồi dào cũng đang củng cố niềm tin cho thị trường.
Từ góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường đang bước vào giai đoạn sóng 5 lớn (mô hình 5 sóng) với dòng tiền sẽ lan tỏa rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu, kể cả nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ. Hiện tại mới ở sóng nhỏ 1 nên thanh khoản chỉ gia tăng nhẹ và vai trò của trụ vẫn đang là động lực nâng đỡ chính.
Cùng với chuyển biến tích cực của khối ngoại, thanh khoản cũng đã được cải thiện rõ nét hơn và đang đồng thuận theo chiều phục hồi của chỉ số. Theo quan sát của MBS, đợt phục hồi từ mức đáy mới (916 điểm) có tốc độ nhanh là nhờ sự hỗ trợ của yếu tố thanh khoản đã tăng mạnh. Thống kê kể từ khi thị trường thiết lập đáy mới cho đến phiên giao dịch ngày 8/6, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt 4.500 tỷ đồng, tức tăng 21% so với bình quân 1 tháng trước đó.
Mặt khác, đây cũng là đợt phục hồi thứ 2 của thị trường kể từ đỉnh ngắn hạn 1.200 điểm. Nếu ở đợt hồi phục lần thứ nhất, chỉ số VN-Index chỉ lấy lại được 81 điểm (8,1%) thì đợt hồi phục này thành quả đang là 128 điểm (14%). Đáng chú ý, trong đợt hồi phục này, dòng tiền đứng ngoài đã trở lại, thanh khoản bình quân mỗi phiên khớp lệnh đạt 4.500 tỷ đồng, trong khi ở lần phục hồi trước, dòng tiền chỉ vào khoảng 3.500 tỷ đồng.
Theo chuyên gia MBS, thị trường đang ở giai đoạn đầu của một xu hướng phục hồi kỹ thuật và đã trải qua nhiều trạng thái giao dịch khác nhau, bắt đầu là chuỗi tăng mạnh của chỉ số, tiếp theo là nhịp tăng chậm dần, hiện đang ở giai đoạn phân hóa mạnh mẽ ở mặt bằng cổ phiếu và cuối cùng là nhịp điều chỉnh ở chỉ số chung.
“Chúng tôi cho rằng, nhịp điều chỉnh (nếu có) sẽ là tích cực cho thị trường, giúp cổ phiếu thiết lập mặt bằng giá mới và là cơ hội cho đợt xây dựng danh mục cho nhà đầu tư khi không tham gia vào nhịp tăng mạnh vừa qua. Do vậy, xu hướng tăng của thị trường có xác suất tiếp diễn rất cao”, ông Quốc Hưng nói.