Còn nhớ, đã có nhiều lo ngại về dòng vốn thu hút FDI vào ngành dệt may Việt Nam sẽ giảm dốc khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP vào thời điểm này năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế thị trường đã chứng minh, dù có TPP hay không ngành dệt may Việt Nam vẫn thu hút dòng vốn FDI một cách mạnh mẽ.
Theo thông tin từ Hiệp hội dệt may Việt Nam, dù chưa có TPP FDI đổ vào ngành dệt may vẫn rất cao, với trị giá hơn 3 tỷ USD. Đây là điều đáng ngạc nhiên và chứng tỏ rằng, ngành dệt may Việt Nam có sức hút rất lớn và góp phần giúp Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực. So với năm 2016, dòng vốn FDI vào ngành dệt may Việt Nam đã tăng hơn 10%.
Lý giải điều này, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, dòng vốn này đã có sự chuẩn bị từ 2 năm trước đó. Điều này một lần nữa cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã có chiến lược dài hơi với ngành dệt may Việt Nam.
Mặc dù không có TPP, song năm 2017 cũng là năm ghi nhận các nhà đầu tư lớn vào ngành dệt may của Việt Nam vẫn có nhà đầu tư đến từ Mỹ, bên cạnh đó vẫn là các nhà đầu tư quen thuộc như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan…
Tháng 2/2018, Việt Nam ghi nhận một số dự án trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may được chấp thuận đầu tư. Trong đó phải kể đến dự án Nhà máy Dệt và may trang phục Ramatex Nam Định của Công ty TNHH Herberton đến từ Singapore với tổng giá trị 80 triệu USD.
Theo đó nhà máy này chuyên sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và các loại vải không dệt khác. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2019 với công suất 25.000 tấn vải các loại, 15 triệu sản phẩm trang phục/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Ngoại ra, cũng phải kể đến dự án nhà máy YKK Hà Nam với tổng giá trị đầu tư là 80 triệu USD. Theo đó, dự án này chuyên sản xuất các loại khoá kéo, các sản phẩm có liên quan trong ngành may mặc với công suất 420 triệu sản phẩm/năm.
Những tín hiệu đầu tư này đến trước khi CPTPP được ký kết. Dường như, các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với thị trường Việt Nam đã tận dụng rất tốt và đón đầu cơ hội này.
Lý giải về một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài đón đầu cơ hội đầu tư vào Việt Nam trước khi CPTPP được ký kết, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định: “Hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam năm 2017 cũng là cơ hội tuyệt vời giới thiệu Việt Nam ra với thế giới và các nhà đầu tư thế giới, trong đó có các nhà đầu tư về dệt may. APEC cũng tạo ra tầm nhìn của Chính phủ nói riêng và thể chế trong phát triển thị trường nói chung. Các nước trên thế giới cũng có dịp kiểm định lại, đánh giá Việt Nam là nước có thị trường mở, thuận lợi cho thương mại, đầu tư… Nhờ đó mà tiềm năng đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam ngày càng khởi sắc”.