Chỉ số ICE U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), sụt 0,2% xuống 89,902 điểm.
Tương tư, chỉ số WSJ U.S. Dollar, so sánh đồng bạc xanh với 1 rổ gồm 16 đồng tiền khác, giảm 0,2% xuống 83,62 điểm.
Đồng bạc xanh giảm giá so với đồng yên Nhật về mức 106,37 yên từ mức 106,81 yên cuối phiên thứ Sáu.
Trong khi đó, đồng euro ít biến động quanh mức 1,2337 USD. Đồng bảng Anh tăng giá 0,4% lên 1,3905 USD.
Đà giảm của đồng USD hôm thứ Hai diễn ra khi giới đầu tư đánh giá kĩ hơn báo cáo việc làm Mỹ được công bố hôm thứ Sáu, trong đó lương tăng chậm lại, và chờ đợi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố hôm nay (13/3).
Cả tốc độ tăng lương và giá cả tiêu dùng đều là các yếu tố chính tác động đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed. Bản báo cáo việc làm tuần trước được cho là không làm cho Fed nâng lãi suất 4 lần trong năm nay, thay vì 3 lần như dự kiến.
Giới đầu tư đồng USD cũng đang theo dõi diễn biến mới xung quanh quy định thuế mới của chính quyền Trump đối với nhôm và thép nhập khẩu.
Hôm thứ Hai, ông Trump đăng trên Twitter rằng Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ hội đàm với đại diện của Liên minh châu Âu (EU) về hàng rào thuế quan. EU đã lớn tiếng chỉ trích quy định thuế mới của Mỹ và đe dọa sẽ đáp trả.
Các chuyên gia phân tích tại ING đánh giá rằng quyết định áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu giúp chính quyền Trump thực hiện ý muốn làm giảm giá đồng USD, khiến giới đầu tư nước ngoài không còn mặn mà với trái phiếu chính phủ Mỹ.
Hơn nữa, các đối tác thương mại của Mỹ bị tác động bởi quy định thuế mới sẽ đồng loạt bán ra trái phiếu Mỹ. Cầu trái phiếu Mỹ giảm sẽ kéo theo cầu đồng USD giảm, và dẫn tới đồng bạc xanh giảm giá, các chuyên gia nói thêm.