Một trong những nguyên do khiến giới chuyên môn nghi ngại tính bền vững của đà tăng trên hai sàn, là dòng tiền hiện nay vẫn mang yếu tố đầu cơ ngắn hạn.
Tốt – xấu: Tùy… chính sách tiền tệ
Phiên giao dịch thứ 2 trong tuần giao dịch thứ 2 của tháng 9 đánh dấu cột mốc thanh khoản trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vượt 1.000 tỷ đồng, tính từ phiên giao dịch ngày 18/3. Vậy là đã hơn 6 tháng trôi qua, lần đầu tiên sàn HNX, nơi tập trung phần lớn các mã cổ phiếu thuộc DN có vốn hóa thị trường nhỏ, mới lấy lại “phong độ”.
Nhìn lại lịch sử của TTCKVN trong già 8 tháng đầu năm qua, sẽ thấy mối liên hệ khá chặt chẽ giữa thị trường vốn trung và dài hạn, với thị trường vốn ngắn hạn là ngân hàng, thông qua mối dây tác động là “thắt”, hay “cởi” của chính sách tiền tệ.
Vài ba tháng trước, vào tháng 5/2011, ở thời điểm các NHTM đang phải chạy đua hạ tỷ lệ tín dụng cho vay phi sản xuất xuống 22% trước 30/6, thị trường đứng trước áp lực giải chấp cao độ. Nhưng do lượng cổ phiếu cầm cố, bán tháo chưa được “đẩy” hết, nên hai sàn đều chỉ lập chỉ kỷ lục về điểm số bị mất, và vẫn giữ được phần nào thanh khoản. Sang tháng 7, dòng tiền đã cạn, mặc dù cổ phiếu giá rẻ dưới mệnh giá vẫn còn chiếm gần 2/3 các mã cổ phiếu trên sàn và Thông tư 74 /BTC đã mang khá nhiều những gì mà các nhà đầu tư trên thị trường mất nhiều năm mong đợi, nhưng HXN vẫn chạm đáy thanh khoản trong vòng 2 năm. 140 tỷ đồng/ phiên/ xấp xỉ 400 mã cổ phiếu đang niêm yết của HNX là một con số ngoài sức tưởng tượng. Tương tự, HoSE cũng chạm đáy thanh khoản trong vòng 3 năm. Khi đó, chính sách tiền tệ vẫn kiên định thắt chặt. Các NHTM tiếp tục vận dụng mọi “phép” để gấp rút thu hồi các khoản nợ ngắn hạn nhằm giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất cho chặng đường trước mặt.
DN ngại lên sàn
Đi trước nền kinh tế, nói chính xác là đón trước thông tin “cơi nới” tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất tín dụng và NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các NH nhỏ, thị trường bật dậy trên lực đỡ gần như duy nhất. Nhà đầu cơ lao vào tranh mua cổ phiếu giá rẻ, thậm chí tìm đến với cả những cổ phiếu đã thua lỗ trong nhiều năm, hoặc thua lỗ lớn trong quý II như VKP – CTCP Nhựa Tân Hóa, BAS – CTCP Basa, CAD – CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX; VSG – CTCP Containner Phía Nam, TLC – CTCP viễn thông Thăng Long; AME – CTCP Alphanam Cơ điện (AME), DHI – CTCP In Diên Hồng…, đẩy nhiều mã cổ phiếu giá thấp này liên tục tăng trần. Ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc Cty CP chứng khoán SJC khẳng định không loại trừ nhiều cổ phiếu kinh doanh thua lỗ nhưng do “làm giá” nên vẫn tăng vùn vụt. Một số nhà đầu tư cũng cho biết đã rót thêm tiền vào tài khoản, và “do vào thị trường hơi chậm, nên đang tích cực học tập “đội bán” hớt một số “con” còn rẻ ở mức 3.000 – 4.000 đồng. Trong trường hợp sóng tăng kéo dài được hết tháng 9 như nhận định của một chuyên gia từ các môi giới thạo tin, bán “lúa non” cũng lãi chắc vài ba chục phần trăm lãi”.
Theo thống kê của UBCK NN, trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng DN niêm yết mới chỉ bằng 20%, tổng vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu chỉ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% và vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 0,56 nghìn tỷ đồng, bằng 68%, so với cùng kỳ năm trước. Một chuyên gia cho rằng DN lùi kế hoạch niêm yết trước viễn cảnh TTCK khó đoán, phần vì e ngại thời điểm và xu hướng vận động của TTCK khi tiến hành niêm yết và chính thức giao dịch, nhưng một phần cũng vì ngại nhà đầu tư không quan tâm. Bởi một nghịch lý là với cổ phiếu của đại đa số những DN tốt, các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu sẽ không có nhu cầu bán ra, nguy cơ thanh khoản thấp là điều rất dễ xảy đến. “Vì vậy, chỉ khi nào TTCK có dấu hiệu tăng trưởng bền vững, căn cứ trên sự phục hồi và ổn định của nền kinh tế, thì khi đó DN mới tái khởi động huy động vốn qua sàn chứng khoán một cách mạnh mẽ” – ông này nói.