Sau nhịp hồi phục kéo dài từ cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 6, thị trường chứng khoán đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh trong hai phiên giao dịch 18-19/6, vốn hóa “bốc hơi” gần 200.000 tỷ đồng, tương đương 8,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, Báo cáo Triển vọng thị trường tháng 6/2018 của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, thị trường đang chuyển hướng từ các trái phiếu có lợi suất cao và cổ phiếu có cổ tức cao sang các cổ phiếu có tính chu kỳ của thị trường chứng khoán, loại cổ phiếu có xu hướng tăng trưởng tốt khi nền kinh tế mạnh lên.
Chưa phải “kịch bản” tệ nhất
Ngay sau động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), USD đã tăng 1,6%, mức cao nhất kể từ năm 2016. Đây là thông tin không mấy tích cực đối với các thị trường mới nổi.
Theo Standard Chartered, thời gian qua đã chứng kiến nhiều giá trị tài sản tại các thị trường mới nổi giảm giá đáng kể. Thị trường chứng khoán Malaysia và Indonesia đã lao dốc trong vài tháng gần đây.
Một vài đồng tiền của các quốc gia châu Á đã giảm sâu so với đồng USD, bao gồm đồng rupee Ấn Độ và peso Philippines.
Lợi suất trái phiếu chính phủ của nhiều quốc gia cũng tăng lên, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ tăng mạnh lên 7,28%/ năm, so với mức 6,31%/ năm vào cuối tháng 12/2017.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Standard Chartered, đồng tiền của các thị trường mới nổi đã giảm khoảng 7-8% từ mức đỉnh trong năm 2018. Tuy nhiên, so với mức giảm hơn 30% của giai đoạn 2013-2016, mức giá hiện tại vẫn chưa phải là quá thấp.
Về tổng thể, cổ phiếu, trái phiếu và đồng tiền tại các thị trường mới nổi bên ngoài châu Á đã suy yếu hơn nhiều so với các tài sản cùng loại tại châu Á, nơi mà cổ phiếu phần lớn dao động đi ngang và các đồng tiền cũng như trái phiếu chỉ suy yếu nhẹ.
Các số liệu báo cáo mới nhất vẫn chỉ ra xu hướng dòng tiền đang rút ra khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã rút 19 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu mới nổi của châu Á.
Riêng thị trường Việt Nam, hoạt động bán ròng của khối ngoại đã diễn ra hầu như cả tháng 5 và kéo dài đến nay, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình thị trường chung.
Tuy nhiên, theo Standard Chartered, đây không phải là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng, mà chỉ một vài nền kinh tế mới nổi cá biệt – đặc biệt là những quốc gia trước đây đã nhận được dòng vốn nước ngoài nhiều nhất – chịu áp lực lớn, dẫn đến một số nhà đầu tư cẩn trọng trong việc phân bổ tài sản của họ.
Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, xét về đầu tư dài hạn, đây là thời điểm giá cổ phiếu ở các thị trường quốc tế và Việt Nam là khá hợp lý để mua vào. Ở mặt bằng giá hiện tại, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 17 lần, là mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán quốc tế.
Theo dấu dòng tiền lớn
Từ các phiên giao dịch khi thị trường lập đỉnh 1.200 điểm, dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi các cổ phiếu đã có thời gian tăng nóng kéo dài.
Nghi ngại về mức độ hồi phục của các chỉ số đang chiếm ưu thế. Nhịp hồi phục thời gian qua không kéo dài, dẫn đến tâm lý giao dịch của giới đầu tư chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc tiếp tục lan rộng, áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại, cũng như quỹ ETF nội VFMVN30 cũng góp phần khiến thị trường thêm phần ảm đạm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, nhà đầu tư cũng không nên quá lo ngại, khi sự hội nhập và cởi mở đã ở mức sâu thì việc bị tác động bởi tình hình thị trường chứng khoán thế giới là không thể tránh khỏi.
Mặc dù một nửa thời gian của năm 2018 đã đi qua, nhưng các kế hoạch “lớn” của Chính phủ – như thoái vốn nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tư nhân, thăng hạng thị trường chứng khoán… vẫn đang ở phía trước,
Thêm vào đó, theo UBCKNN, dòng vốn ngoại vẫn đang “âm thầm” chọn những địa chỉ tiềm năng để ở lại, dòng vốn này vẫn đang đổ vào thị trường hàng ngày theo các kênh trực tiếp và gián tiếp.
UBCKNN cũng đưa ra số liệu chứng minh cho việc dòng vốn ngoại vẫn đang chảy vào thị trường Việt Nam, khi trong tháng 5, mặc dù nhà đầu tư ngoại bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng đã “đổ” vào thị trường trái phiếu 1.300 tỷ đồng.
Một phần khác, họ tập trung vào mua cổ phiếu của các doanh nghiệp trước khi lên sàn. Phần vốn nữa đang chờ cơ hội, ở dạng dư tiền mặt của các quỹ tương đối cao…