Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ (margin) cho phép CTCK được hỗ trợ tiền giao dịch ký quỹ cho NĐT lên tới 200% vốn chủ sở hữu (CSH). Với “room” này, tổng số tiền cho NĐT vay thông qua margin có thể lên tới trên 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khả năng huy động vốn của CTCK để cho vay là không nhiều và NĐT cũng chưa mặn mà vay vốn.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc số tiền tối đa mà CTCK sẽ huy động phục vụ cho khách hàng vay giao dịch ký quỹ là bao nhiêu, lãnh đạo nhiều CTCK có vốn điều lệ trên 300 tỷ đồng đều cho rằng, nhiều nhất là 100% vốn CSH.
Phó tổng giám đốc một CTCK có vốn CSH 350 tỷ đồng cho biết, từ đầu năm đến nay, khách hàng dùng đòn bẩy trong giao dịch chứng khoán sụt giảm liên tục. Nếu đầu năm, dư nợ cho vay thông qua công ty này đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng (tương đương gần 90% vốn CSH), thì giờ chỉ còn 200 tỷ đồng. Đa phần NĐT sử dụng đòn bẩy như một công cụ ngắn hạn để đánh “chớp nhoáng”, chứ không còn ham đầu tư bằng vốn vay như trước.
Về vấn đề cung cấp dịch vụ margin cho khách hàng, vị phó tổng giám đốc trên chia sẻ, bản chất thì Công ty đã làm rồi, nên khi có quy định thì chỉ hợp thức hóa nó mà thôi. Tuy nhiên, mức 200% vốn CSH có vẻ… xa thực tế.
“Ai cho CTCK vay vốn đến 200% vốn CSH để làm margin? Ngân hàng ư? Chúng tôi vẫn ký hợp tác với 5 NHTM lớn, nhưng giờ các ngân hàng đều hạn chế cấp tín dụng cho chứng khoán, nên chúng tôi không tự tin là sẽ huy động thêm được tiền. Tiền của chính công ty cũng có, nhưng phải phân bổ cho nhiều khoản khác, nên nếu huy động được 100% vốn CSH để cho vay thì đã là cố gắng trong giai đoạn này”, vị phó tổng giám đốc nói.
Tổng giám đốc một CTCK có vốn CSH 2.000 tỷ đồng cho hay, dù nguồn tiền của Công ty rất nhiều, nhưng dành hết cho margin là điều không tưởng. “Hiện tại, chúng tôi đang tích cực sửa chữa hệ thống để phù hợp với quy định về điều kiện CTCK triển khai dịch vụ margin, nên Công ty chưa bàn đến số vốn sẽ dùng cho margin là bao nhiêu. Nhưng có lẽ, khởi điểm có thể chỉ là 100 – 200 tỷ đồng”, ông này nói.
Nói về khả năng có thể sử dụng hết “room” 200% vốn CSH như Quy chế hướng dẫn margin, vị này cho rằng, sử dụng đến 100% vốn CSH với quy mô lên tới 2.000 tỷ đồng như Công ty đã là điều không tưởng, 4.000 tỷ đồng thì bằng luôn vốn của một NHTM, lúc ấy ai cho vay vốn, kiểm soát ra sao? Điều này càng khó hơn với những CTCK có quy mô lớn. Ví dụ SSI có vốn CSH gần 5.000 tỷ đồng, nếu có muốn cho vay hết khả năng, tức là gần 10.000 tỷ đồng, thì câu hỏi nguồn ở đâu là bài toán không hề dễ dàng.
Theo vị tổng giám đốc này, những CTCK có vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng, đi vay vốn về để cho NĐT vay với quy mô lên tới 100% vốn CSH, thậm chí 200% vốn CSH có thể khả thi, nhưng với công ty vốn đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng thì rất khó khăn. Bởi lẽ, vay ai, ai cho vay là điều đã khó, lại thêm vấn đề là CTCK vay tiền về cũng khó tìm đầu ra, vì NĐT lúc này cũng chưa chắc đã dám vay. Thống kê về mức độ sụt giảm dư nợ cho vay lĩnh vực chứng khoán 8 tháng đầu năm nay, đến hơn 43% của hệ thống NHTM là một minh chứng cho điều đó.
Trên thực tế, trong các năm trước, nhiều CTCK hỗ trợ NĐT thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền lên tới vài ngàn tỷ đồng, thậm chí gấp 4 – 5 lần vốn CSH của mình. Tuy nhiên, chỉ có một phần trong số này là tiền từ ngân hàng, phần lớn huy động từ các DN khác. Nay tình hình các DN khó khăn, nguồn huy động này cũng vì thế mà khó có thể dồi dào. Vì thế, margin, dù quy định đã thoáng, nhưng vào thời điểm này, cả phía người có nhu cầu vay vốn lẫn người cho vay đều đang ở thế khó. 100% vốn CSH tính bình quân cho toàn thị trường, tương đương mức 30.000 tỷ đồng có thể là con số phù hợp cho năng lực cho vay giao dịch ký quỹ của các CTCK lúc này.