CTCK Rồng Việt (VDSC) đã nhận định như vậy trong báo cáo chiến lược vừa phát hành. Theo thống kê của VDSC đến cuối quý 1/2018 chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp niêm yết tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2018. Trong đó, có hơn 50% doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với năm 2017 với mức tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm tài chính và dịch vụ tài chính đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận từ 40 – 100% trong năm 2018, mà ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành đáng chú ý.
Đối với ngành ngân hàng, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Nguyên nhân đến từ: Tăng trưởng tín dụng cao và NIM cải thiện giúp thu nhập lãi tăng trưởng; Chi phí dự phòng rủi ro giảm; và Thu nhập ngoài lãi, trong đó thu nhập dịch vụ và hoàn nhập dự phòng sẽ là hai khoản thu nhập đóng góp cao nhất.
Bên cạnh đó, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đang diễn ra với kế hoạch trả cổ tức cao, phát hành tăng vốn và làn sóng niêm yết của một số tư nhân top đầu sẽ diễn ra trong quý 2 và quý 3 sẽ là yếu tố kích thích sự hấp dẫn đối với cổ phiếu ngân hàng. Dựa trên các tiêu chí này, nhà đầu tư có thể xem xét đến các cổ phiếu như ACB, MBB, CTG, VIB hay LPB.
Với ngành bất động sản, năm 2018 – 2019 được xem là giai đoạn cao điểm bàn giao nhà của các chủ đầu tư. Trong nhóm bất động sản, mặc dù mới chỉ có DXG tổ chức ĐHĐCĐ và đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 40%, nhưng xu hướng này cũng diễn ra ở các công ty bất động sản khác. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong quý 2/2018 của các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, như Cenland, Hải Phát, TienphongBank,…cũng sẽ là yếu tố tích cực đối với diễn biến chung của ngành.
Theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét đến các cổ phiếu với các tiêu chí: Doanh nghiệp đã tích lũy được quỹ đất từ rất sớm và phát triển dự án theo hình thức liên doanh liên kết có thể ghi nhận lợi nhuận từ đánh giá lại quỹ đất, điển hình có NLG và DXG. Doanh nghiệp bất động sản lớn nhiều dự án mở bán trong năm như VIC, KDH, NLG, DXG hay HDG. Doanh nghiệp có quỹ đất lớn thuộc các tỉnh lân cận TP. HCM và Hà Nội, như DIG.
Với ngành chứng khoán, kết quả kinh doanh quý 1/2018 của các CTCK dự báo ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trước diễn biến sôi động trong quý đầu năm 2018 của TTCK: Doanh thu từ phí và thu nhập lãi thuần từ cho vay ký quỹ dự báo tăng mạnh khi mà giá trị giao dịch toàn thị trường (HSX, HNX, và Upcom) đạt bình quân hơn 8.982 tỷ đồng/phiên (+~100% YoY) và Lợi nhuận từ hoạt động tự doanh.
Ngoài ra, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo dự kiến sẽ triển khai trong quý 2/2018 cũng là một yếu tố hứa hẹn tăng tính hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu chứng khoán. Do đó, các công ty có thị phần môi giới cao, có khả năng tăng thị phần, và có thế mạnh về hoạt động ngân hàng đầu tư là những lựa chọn mà nhà đầu tư có thể xem xét.
Đối với ngành điện, tiêu thụ điện cả nước ước tăng trưởng 12%, trong đó nhiệt điện than tăng trưởng 16% và chiếm 45%, nhiệt điện khí tăng trưởng 5% và chiếm 23%, thủy điện tăng trưởng 2% và chiếm 30%. Ngoài ra, sự cố tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và sự cố đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đã khiến giá phát điện thị trường cạnh tranh tăng mạnh trong quý 1. Theo đó, các công ty nhiệt điện sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1/2018. Bên cạnh đó, với đặc điểm dòng tiền ổn định nên tỷ lệ trả cổ tức của nhóm nhiệt điện thường khá cao, tỷ suất cổ tức thường dao động từ 8 – 10%. PPC, NT2, và REE là ba cổ phiếu mà VDSC cho rằng nhà đầu tư có thể tích lũy để đón đầu mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1 và ĐHĐCĐ.
Đối với ngành hàng không, tăng trưởng du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 tiếp tục duy trì ở mức cao (28%). ACV cùng với các công ty kinh doanh dịch vụ hàng không như phục vụ mặt đất (SGN) hay cửa hàng lưu niệm và nhà hàng (AST) sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này, nhất là khi các cảng hàng không mới tại Đà Nẵng và Cam Ranh đi vào hoạt động.
Cuối cùng với ngành ô tô, tâm lý người tiêu dùng chờ mua xe với giá rẻ hơn khi thuế nhập khẩu giảm về mức 0% khiến sức mua xe hơi năm 2017 giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng trưởng bình quân 20% trong nhiều năm liền (theo số liệu VAMA).
VDSC kỳ vọng tâm lý chờ đợi đang dần được xóa bỏ khi mà thuế nhập khẩu xe đã về mức 0% từ năm 2018. Yêu cầu về giấy chứng nhận kiểu loại (VTA, theo Nghị định 116) của Chính phủ đã bước đầu được đáp ứng, điển hình là Thái Lan và Indonesia (hai thị trường cung ứng khoảng 60 – 70% lượng xe nhập cho Việt Nam).
Về doanh nghiệp, nhóm phân tích kỳ vọng hoạt động kinh doanh của Savico (HSX: SVC), nhà phân phối chủ yếu của các hãng xe Ford hay Toyota, sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2018.