Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 diễn ra mới đây, VCG cho biết sẽ thoái vốn tại tất cả các doanh nghiệp ngoài ngành trong thời gian tới để dồn lực cho hai mảng kinh doanh chính là đầu tư và xây dựng.
Theo đó, Vinaconex đã thực hiện chuyển giao toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Bất động sản Vinaconex (52,73 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thủy tinh Pha lê Bohemia Hà Nội (136,97 tỷ đồng) để góp 100% vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư (Vinaconex Invest). Sau giao dịch, Bất động sản Vinaconex và Thủy tinh Pha lê Bohemia không còn là công ty con của VCG.
Cùng với Công ty TNHH Một thành viên Vinaconex Xây dựng (Vinaconex CM), Vinaconex Invest là đơn vị thành viên mới được VCG thành lập cuối năm 2017 để trở thành mũi nhọn về đầu tư (Vinaconex Invest) và xây dựng (Vinaconex CM).
Cũng tại Đại hội, Vinaconex đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với 4.491,7 tỷ đồng doanh thu và 491 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 45,9 % kết quả thực hiện năm ngoái. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 12% tương đương năm 2017.
Trong đó, Vinaconex CM và Vinaconex Invest dự kiến thu về doanh thu gộp lần lượt là 1.977,2 tỷ đồng và 761,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lần lượt 21,4 và 10,6 tỷ đồng và ước tính sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi dự án 25 Nguyễn Huy Tưởng và 83 Láng Hạ có doanh thu và lợi nhuận.
Được biết, Vinaconex xây dựng kế hoạch trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh bình thường (không có lợi nhuận đột xuất) thì vẫn tăng trưởng lợi nhuận 7% so với năm 2017 khi trước đó, Tổng công ty đã thu về 700 tỷ đồng lợi nhuận đột xuất từ kết quả thoái vốn tại CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco).
Năm 2018, Vinaconex sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố, địa phương có tiềm năng như Quảng Ninh, Nha Trang, TP.HCM. Đặc biệt với Dự án An Khánh, Vinaconex sẽ tập trung nguồn lực để triển khai, đưa các sản phẩm của dự án ra thị trường, đồng thời nghiên cứu mua lại hoặc phân chia sản phẩm 50% (chủ đầu tư thứ phát) tại Dự án Bắc An Khánh, nhằm tạo nguồn việc làm và tăng doanh thu, lợi nhuận.
Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý khác là việc phương án thoái vốn của SCIC tại Vinaconex tiếp tục được để ngỏ sau khi không thành công trong việc thoái 22% vốn hồi cuối năm 2017 theo kế hoạch tái cấu trúc vốn nhà nước tại các doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên thị trường, cổ phiếu VCG đã bốc hơi gần 35% giá trị từ thời điểm đầu quý II tới nay. Hiện tại, cổ phiếu VCG đang giao dịch trên sàn HNX quanh mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường gần 6.670 tỷ đồng.